Ngày 23/12/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Nghị quyết đánh giá, sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân 3,7%/năm trong giai đoạn 2001 - 2008, cao hơn khoảng 3 lần tốc độ gia tăng dân số trong cùng kỳ. Sản xuất lúa gạo đã đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu bình quân khoảng 4 - 5 triệu tấn gạo/năm.
Tình trạng suy dinh dưỡng của người dân được cải thiện. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đã giảm từ 25% vào năm 2005 đến năm 2008 còn 20%, đạt trước mục tiêu kế hoạch của năm 2010.
Về mục tiêu chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phải bảo đảm đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số; chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực, nâng cao chất lượng bữa ăn; bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi bình quân trên 30% so với giá thành sản xuất.
Đến năm 2020, bảo vệ quỹ đất lúa 3,8 triệu ha để có sản lượng 41 - 43 triệu tấn lúa đáp ứng tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo/năm; diện tích trồng cây ăn quả 1,2 triệu ha, sản lượng 12 triệu tấn; rau các loại 1,2 triệu ha, sản lượng 20 triệu tấn... Chăn nuôi đạt sản lượng thịt hơi các loại 8 triệu tấn, sữa tươi 1 triệu tấn, trứng gia cầm 14 tỷ quả; sản lượng khai thác thuỷ sản 2,4 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 4 triệu tấn.
Đến năm 2020, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, hướng tới cân đối dinh dưỡng và nâng cao mức tiêu thụ calo bình quân hàng ngày lên 2.600 - 2.700 Kcalo/người và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 5%.
Cải thiện cơ cấu và chất lượng tiêu dùng lương thực, đạt mức tiêu thụ bình quân/người vào năm 2020: gạo giảm xuống còn 100kg, thịt các loại 45kg, cá các loại 30kg, quả các loại 50kg, rau các loại 120kg, tăng mức tiêu dùng trứng, sữa gấp 2 lần so với hiện nay. Toàn bộ nông sản, lương thực tiêu thụ trên thị trường đạt chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực vào năm 2012. Sau năm 2012 đảm bảo 100% người dân ở mọi nơi, mọi lúc có đủ lương thực.
Đảm bảo thu nhập cho người sản xuất lương thực đến năm 2020 cao hơn 2,5 lần so với hiện nay.
Về giải pháp, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 diện tích đất lúa cần phải giữ là 3,8 triệu ha, trong đó 3,2 triệu ha đất lúa sản xuất hai vụ trở lên, có thuỷ lợi hoàn chỉnh.
Tăng cường năng lực cho nghiên cứu khoa học, khuyến nông, thông tin và hợp tác quốc tế liên quan đến an ninh lương thực; ngân sách nhà nước hàng năm đầu tư cho lĩnh vực này tăng 10 - 15%.
Tăng cường đào tạo nông dân về khoa học kỹ thuật và kiến thức quản lý theo phương thức phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực và tăng thu nhập, đến năm 2020 đạt 50% người sản xuất lương thực đã qua đào tạo...