Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt trâu bò ngoại đang lấn át thị trường
04 | 01 | 2010
Số lượng bò thịt nhập khẩu chính ngạch từ Lào lên tới khoảng trên 1.000 con/ngày (chưa tính tiểu ngạch), cho thấy nhu cầu thịt bò trong nước rất lớn, trong khi chăn nuôi bò thịt trong nước rất chậm phát triển.

Tình trạng nhập lậu trâu bò ồ ạt vào Việt Nam qua các tỉnh biên giới với Lào và Campuchia thời gian gần đây đang ngày càng có xu thế gia tăng.

Nhu cầu tiêu thụ thịt trâu bò ngày càng tăng cao, đòi hỏi ngành chăn nuôi trâu bò thịt phải tăng tốc mạnh mới có hy vọng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Thế nhưng, số lượng trâu bò ở Việt Nam không những chẳng tăng mà lại giảm.

Theo Trung tâm Tin học và thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại đàn trâu cả nước là 2.886,6 nghìn con, giảm 0,38% so với khi kết thúc năm 2008. Đàn bò hiện còn 6.103,3 nghìn con, giảm 3,7% so với năm 2008.

Theo Cục Chăn nuôi, đàn trâu bò giảm ở hầu hết các vùng là do số lượng trâu bò cày kéo tiếp tục giảm nhiều do nhu cầu sử dụng sức kéo ngày càng giảm. Bệnh lở mồm long móng vẫn diễn ra ở một số địa phương, đồng thời thiên tai ở miền Trung, Tây Nguyên làm thiệt hại đến tổng đàn trâu bò.

Phần lớn lượng thịt bò đang được tiêu dùng trong nước chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan. Tại các lò mổ bò lớn ở Củ Chi, Hóc Môn (Tp.HCM), chỉ có khoảng 10% là bò chăn nuôi trong nước. Còn lại là bò Thái Lan nhập về qua biên giới Campuchia. Các thương lái thậm chí còn chở cả bò Thái Lan ra cả Phú Yên và Hà Nội. Giá bán thịt bò ở Thái Lan chỉ khoảng 100 bạt/kg (chưa đến 60 nghìn đồng/kg), rẻ hơn rất nhiều so với thịt bò ở Việt Nam.

Bò của nước ta con to nhất chỉ có trọng lượng từ 350-400 kg, tỷ lệ nạc chưa đến 35%, giá lại cao trên 100 nghìn đồng/kg nên rất khó cạnh tranh với thịt bò Thái Lan. Số lượng bò nhập khẩu theo đường chính ngạch qua biên giới Lào lúc cao điểm khoảng trên 1.000 con/ngày, chưa kể nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Trong khi đó việc tầm soát dịch bệnh từ bò nhập khẩu chính ngạch đã khó chứ chưa nói tới kiểm soát bò lậu.

Trâu bò nhập khẩu đang là nguồn gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh lở mồm long móng. Theo ông Hồ Đại Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quảng Trị, đối với trâu bò do thương lái nhập về để giết thịt, thì khó kiểm soát được khâu dịch bệnh, bởi một con bò 5 tạ mà giam tới 15 ngày (để chờ xét nghiệm kiểm dịch) thì bò có thể sút tới 40kg, khiến thương lái sẽ dễ bị thua lỗ. Hơn nữa việc lấy máu khiến cho bò hoảng sợ nên thương lái không muốn cho kiểm dịch. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng nhập lậu ngày càng gia tăng.

Tại Hội nghị sơ kết chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng từ năm 2006-2009 tại Tp.HCM vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, từ năm 2006 đến 2009, đã có 114.015 con trâu, bò bị mắc bệnh. Một nguyên nhân khiến dịch bùng phát là do số lượng gia súc vận chuyển qua biên giới là rất lớn, nhưng không được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Chỉ riêng tại cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị mỗi ngày có gần 500 con trâu, bò nhập lậu qua biên giới.

"Ngoài việc phải tăng cường biện pháp kiểm tra giết mổ, để có thể kiểm soát được dịch lở mồm long móng trong những năm tới, tôi đã yêu cầu lãnh đạo cục thú y các tỉnh phải đánh giá lại nguyên nhân dịch bùng phát do nguồn trâu, bò nhập lậu hay do tiêm phòng”, ông Tần nói.

Ông Hồ Đại Nam cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất là phải phát triển đàn bò thịt trong nước đủ sức cạnh tranh mới tạo được chiến lược lâu dài nhằm ngăn chặn vấn nạn trâu bò nhập lậu. Là một doanh nghiệp kinh doanh nhiều lĩnh vực nhưng gần một năm trở lại đây, Công ty TNHH Thương mại Quảng Trị đã tập trung nuôi và vỗ béo bò nhập về từ Thái Lan. Sáu tháng cuối năm 2009, Công ty cho nhập gần 300 con bò và bê chuyên thịt giống Charolaise và BRasman từ 1- 2 năm tuổi của Thái Lan về nuôi và vỗ béo ở trại chăn nuôi tập trung gần khu vực cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).

Ông Nam cho biết các giống bò thịt của Thái Lan sau khi nhập khẩu về vỗ béo tại Lao Bảo đều thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu và gần như không mắc bệnh gì nên lớn rất nhanh. Với chi phí thức ăn cho mỗi con bò khoảng 20 nghìn đồng/ngày, trọng lượng bò có thể tăng từ 1 đến 1,2kg/ngày. Trung bình 3 tháng, Công ty sẽ xuất chuồng một lần với trọng lượng bò trung bình từ 6 đến 7 tạ/con, trọng lượng thịt tăng trung bình từ 1,2 tạ/con so với lúc nhập khẩu.

Hiện tại, do chưa ký được hợp đồng giết mổ tập trung nên Công ty vẫn đang nhập lại cho các thương lái lớn và các doanh nghiệp giết mổ tại Huế, Đà Nẵng, Tp.HCM và  cả các lò mổ lớn tại Hà Nội... Ông Nam dự tính trong thời gian tới sẽ tiếp tục  đầu tư mở rộng mới trang trại nuôi và vỗ béo bò thịt chuyên nghiệp tại khu vực Ba Lòng với quy mô trên 1.000 con bò.



Theo Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường