Trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài gòn Online qua điện thoại, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Út Xi (Sóc Trăng) cho biết, hiện có rất nhiều công ty chế biến tôm cho xuất khẩu đang rơi vào tình trạng rất khó xử.
Nếu muốn nhập khẩu tôm nguyên liệu (thường là tôm đánh bắt ngoài tự nhiên) để chế biến và xuất khẩu sang châu Âu thì bị vướng quy chế truy xuất nguồn gốc thủy sản (IUU); còn muốn xuất vào Nhật Bản, thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam sau khi hiệp định thương mại Việt – Nhật có hiệu lực từ 1-10-2009, thì thị trường này không chấp nhận tôm nguyên liệu của nước thứ ba vì lo ngại đến chất lượng đầu vào của nguyên liệu.
“Nếu có tôm nguyên liệu nhập khẩu để nhà máy hoạt động hết công suất thì bắt buộc công ty phải tích cực tìm kiếm thị trường mới, một điều không đơn giản khi các nước nhập khẩu có yêu cầu chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao”, ông Tuấn nói.
Ông Huỳnh Văn Thiều, Phó phòng kinh doanh Công ty thủy sản Minh Hải (Cà Mau) cho biết, hiện tại, do thiếu nguyên liệu nên công ty chỉ sản xuất khoảng 150 tấn/tháng, bằng 1/4 công suất thiết kế và buộc phải cho công nhân nghỉ việc xoay vòng.
“Do thiếu nguyên liệu nên công ty phải từ chối rất nhiều hợp đồng mới vì lo ngại không đáp ứng được kịp thời gian giao hàng, ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Công ty đang cân nhắc về việc xin nhập tôm để giải quyết việc làm cho công nhân”, ông Thiều cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản trong đó có mặt hàng tôm không phải là phương cách tối ưu. Vì như vậy, không những gây khó khăn cho người nuôi trồng mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển ngành. Về lâu dài, nên tập trung giải quyết bài toán quy hoạch về vùng nuôi, về liên kết giữa nuôi trồng và chế biến.