Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cao su phục hồi mạnh mẽ
28 | 01 | 2010
Xuất khẩu cao su của nước ta năm 2009 đạt khối lượng 726 nghìn tấn, kim ngạch 1,2 tỷ USD.

Năm 2010 hứa hẹn là một năm tăng trưởng mạnh của ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đưa ra dự báo: giá cao su sẽ tăng tới 30%; sản lượng, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ đạt 750.000 tấn trong năm 2010, trị giá xuất khẩu dự kiến trên 1,5 tỷ USD.

Giá cao su trong tháng đầu tiên của năm 2010 đã bất ngờ hồi phục mạnh mẽ ngoài dự đoán của các nhà xuất khẩu cao su trong nước và gần chạm ngưỡng kỷ lục trong vòng nhiều năm qua. Tại cửa khẩu cảng Sài Gòn, cao su SVR 20 đã lên tới mức 2.850 USD/tấn (giá FOB), còn tại Móng Cái cao su SVR 3L đạt 2. 900 USD/tấn, tăng hơn gấp đôi so với 1.100-1.200 USD /tấn cách đây 1 năm, và cao nhất kể từ quý 3/2008.

Giá cao su xuất khẩu tăng đang là yếu tố chính thúc đẩy giá thị trường trong nước. Theo các cty xuất khẩu cao su khu vực Đông Nam Bộ, giá cao su trong nước hiện đạt 53,5 triệu đ/tấn đối với cao su SVR 10 và 54,8 triệu đ/tấn với cao su SVR 3L.

Giá cao su tăng cũng đang đẩy giá nguyên liệu sản xuất lốp xe tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Trần Thị Thuý Hoa, Tổng thư ký VRA cho biết, giá cao su vào tháng 1/2009 chỉ đạt bình quân khoảng 1.280 USD/tấn, sau đó ổn định ở mức 1.420 -1.485 USD/tấn trong quý 1 và quý 2. Từ tháng 6 đến tháng 12/2009, giá cao su xuất khẩu tăng liên tục.

Đến tháng 12/2009, cao su xuất khẩu đạt bình quân 2.004 USD/tấn, tăng 57% so với tháng 1, riêng chủng loại SVR 3L đạt 2.622 USD/tấn. Lượng cao su và trị giá xuất khẩu đã tăng liên tục trong quý 3 và 4, đặc biệt trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu đã tăng đáng kể so cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cao su tăng gấp đôi so với năm trước nhưng phần lớn quy mô xuất khẩu thấp. Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp từ các ngành hàng khác tìm cách thâm nhập thị trường cao su Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, nơi nhu cầu nhập khẩu cao su vẫn có sự tăng trưởng. Nhờ vậy, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đã tăng so với năm 2008, kim ngạch xuất khẩu tuy giảm so với năm 2008 nhưng vẫn đạt 1,2 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra là kết quả rất đáng ghi nhận.

Chính phủ đã ban hành quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đưa ra mục tiêu 800.000 ha cao su vào năm 2015 và sản lượng 1,2 triệu tấn năm 2020 với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

Đáp ứng mục tiêu này, năm 2010 dự kiến ngành cao su sẽ phát triển thêm diện tích trên 30.000-40.000 ha, tăng sản lượng đạt khoảng 770.000 tấn và dự kiến xuất khẩu 750.000 tấn (bao gồm cả nguồn tạm nhập tái xuất), trị giá xuất khẩu dự kiến trên 1,5 tỷ USD.

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, có tới 70% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh nhu cầu cao su của nhiều thị trường sụt giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc không những không suy giảm, mà còn có phần tăng lên trong năm 2009 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nhiều năm tới. Việc xuất khẩu cao su vào thị trường này thuận lợi hơn các nước khác và giá cả cạnh tranh tốt hơn.

Hiện Trung Quốc vẫn giữ vị thế là nước sử dụng cao su lớn nhất thế giới và là thị trường dẫn đầu trong xuất khẩu cao su của Việt Nam với số lượng khoảng 489.230 tấn năm 2009, chiếm 67,4% tổng lượng cao su xuất khẩu cả nước, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2008 và đạt trị giá 761,46 triệu USD, trong đó phương thức giao hàng qua biên giới sang Trung Quốc chiếm tới 51% tổng lượng cao su Việt Nam xuất khẩu.

Do vậy, cần củng cố duy trì thị trường truyền thống này bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường để phòng chống rủi ro trong xuất khẩu cao su. Các cơ quản lý nhà nước cần cung cấp kịp thời số liệu thống kê xuất nhập khẩu, giá cả và thông tin về các chính sách của Trung Quốc đối với việc nhập khẩu cao su để giúp Hiệp hội và doanh nghiệp có cơ sở đáp ứng với những biến động của thị trường lớn này.

Theo Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), từ năm 2010, nhu cầu cao su thiên nhiên sẽ tăng liên tục đến 2019. Năm 2010, dự báo mức tiêu thụ cao su thiên nhiên khoảng 10,43 triệu tấn, tăng 8% so năm 2009.

Trong khi đó, sản lượng cao su thiên nhiên của Thái Lan, Indonesia và Malaysia ước tính giảm trên 6% trong năm 2009 do lũ lụt trầm trọng vào mấy tháng cuối năm và dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm do El Nino gây khô hạn. Cung khan và cầu mạnh sẽ là bệ đỡ cho giá cao su tăng mạnh trên thị trường thế giới.

Điều đáng quan tâm là các công ty nghiên cứu dự báo cao su thế giới đã đưa ra nhận định rằng giá cao su thiên nhiên có thể tăng lên mức cao nhất của 3 thập kỷ nay vào tháng 3/2010 do kinh tế thế giới hồi phục, đẩy nhu cầu tăng đối với những hàng hóa sử dụng cao su làm nguyên liệu, trong khi nguồn cung sẽ giảm sút.

Tại Việt Nam, cao su được dự báo sẽ giữ đà tăng ít nhất đến hết quý tới. Đặc biệt là khi thị trường Trung Quốc vừa giảm thuế nhập khẩu cao su khiến các doanh nghiệp nước này tăng cường mua vào. VRA dự tính sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ đạt 750.000 tấn trong năm 2010, trị giá xuất khẩu dự kiến trên 1,5 tỷ USD.



Theo VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường