Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủ tướng đề xuất cơ chế toàn cầu đảm bảo an ninh lương thực
01 | 02 | 2010
Tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra các đề xuất về đảm bảo an ninh lương thực - vấn đề lớn mang tính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay vẫn còn hơn 1 tỷ người bị đói…

Phiên họp diễn ra đêm 29/1 (giờ Việt Nam) về chủ đề  An ninh lương thực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến tầm quan trọng của an ninh lương thực, một vấn đề lớn mang tính toàn cầu, cần đặc biệt quan tâm, nhất là trong khi thế giới hiện nay vẫn còn hơn 1 tỷ người bị đói và nhu cầu lương thực thế giới sẽ tăng gần gấp đôi hiện nay vào năm 2050, khi mà dân số tăng lên trên 9 tỷ người.

Từ thực tiễn Việt Nam là một nước đã từng chịu cảnh thiếu đói trong nhiều thập kỷ, ngày nay vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Thủ tướng đề xuất một số vấn đề nhằm bảo đảm lương thực cho thế giới một cách nhanh hơn, bền vững hơn:

Thứ nhất, bảo đảm an ninh lương thực cần thực hiện đồng bộ cả 3 nội dung, đó là bảo đảm tính sẵn có (nguồn cung lương thực, đầy đủ mọi nơi, mọi lúc), tính ổn định (hệ thống phân phối ổn định) và khả năng tiếp cận của người dân (có khả năng mua lương thực).

Thứ hai, cần suy nghĩ đến việc cải tổ và mở rộng chức năng, tăng cường quyền lực cho Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) để có thể đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc điều phối hỗ trợ các hoạt động liên quan đến định hướng, sản xuất, phân phối lương thực trên toàn cầu.

Thứ ba, cần có một cơ chế chắp nối (a match-making mechanism) để các nước có thể hợp tác và bổ trợ cho nhau khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong nỗ lực phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực.

“Giải pháp bền vững và lâu dài nhất đối với vấn đề an ninh lương thực thế giới là làm thế nào hỗ trợ một cách có hiệu quả cho các nước thiếu đói biết cách tự vươn lên”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời, khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức của mình về vấn đề an ninh lương thực với các nước và cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, đề cập đến biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng đang trở thành mối đe dọa lớn đối với các nước nông nghiệp, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các nước xuất khẩu nông nghiệp cân nhắc việc hình thành Liên minh các nước nông nghiệp ứng phó với Biến đổi khí hậu (giống như Nhóm Cairns của các nước ủng hộ Tự do hóa nông nghiệp).

Thứ năm, cần nỗ lực tránh xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực như năm 2008 tại nhiều nước, nhất là tại Châu Phi và Châu Á làm giá cả lương thực tăng vọt và khan hiếm lương thực giả tạo tại nhiều nước sau đó.

Trước mắt, Liên Hợp Quốc cần lựa chọn khoảng 50 quốc gia dễ xảy ra khủng hoảng lương thực nhất để tập trung hỗ trợ tích cực. Một hệ thống cảnh báo sớm cũng cần được thiết lập để sớm phát hiện khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực, từ đó có các giải pháp ứng phó hữu hiệu, kịp thời.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là cộng đồng quốc tế cần cam kết loại bỏ và cắt giảm tối đa mọi hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm.

Trước đó, vào đêm 28/1, Thủ tướng đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề "Tái định hình nền quản trị toàn cầu" và phiên thảo luận "Tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn".



Theo vinanet.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường