Ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2010 đã có bước “chạy đà” khá ngọt, nhưng các phân tích cho thấy sẽ có rất nhiều thách thức từ bên ngoài khiến việc thực hiện mục tiêu này không dễ dàng.
Tốt nhất hai thập niên
Nếu đạt được mục tiêu trên sẽ là thành tích tuyệt vời, bởi Việt Nam không chỉ thêm một lần duy trì kỷ lục về khối lượng xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược này, mà còn “vượt qua chính mình” khi khắc phục được “căn bệnh” bán rẻ những hạt vàng của nông dân.
Trước hết, nổi bật nhất là những thắng lợi ngoạn mục liên tiếp của Vinafood II trong bốn cuộc đấu thầu nhập khẩu gạo sớm hơn thông lệ của Philippines. Không chỉ khối lượng trúng thầu của Vinafood II hoàn toàn áp đảo, điều quan trọng hơn là giá trúng thầu không hề kém cạnh các đối thủ cạnh tranh.
Tổng hợp các kết quả trúng thầu được nước chủ nhà lần lượt công bố thì con số Vinafood II trúng thầu gần 1,286 triệu tấn, chiếm tới 70,6% trong tổng khối lượng trúng thầu (gần 1,821 triệu tấn). Bên cạnh đó, giá trúng thầu bình quân cả khối lượng khổng lồ này của Vinafood II không chỉ cao ngất ngưởng là 633,51 USD/tấn, mà còn cao hơn 16,14 USD/tấn và 2,61% so với giá trúng thầu bình quân của tất cả đối thủ cạnh tranh còn lại (617,38 USD/tấn).
Không những vậy, trong ngày làm việc mở màn của năm nay, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NPA) đã quyết định mua thêm hơn 355.000 tấn gạo từ bốn cuộc đấu thầu với giá bình quân 634,7 USD/tấn. Trong đó, Vinafood II trúng thầu thêm hơn 118.000 tấn.
Bên cạnh đó, Vinafood II cũng đã có những hợp đồng riêng lẻ xuất khẩu vào thị trường này 146.639 tấn gạo nữa, tuy không tiết lộ mức giá cụ thể nhưng có lẽ không thể thấp một cách bất ngờ.
Do vậy, có căn cứ để cho rằng tổng khối lượng gạo trên 1,55 triệu tấn xuất khẩu cho Philippines với giá cao ngất ngưởng (1,404 triệu tấn, quy giá FOB khoảng 575 USD/tấn) trong nửa đầu năm nay có lẽ là “bước chạy đà” tốt chưa từng có của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta trong 21 năm qua.
Giá sẽ tiếp tục tăng?
Thế nhưng sau “bước chạy đà” ngoạn mục này, liệu giá của gần 4,5 triệu tấn gạo xuất khẩu còn lại của nước ta có còn giữ được ở ngưỡng 500 USD/tấn hay không mới là yếu tố có ý nghĩa quyết định để đạt mục tiêu 3-3,2 tỉ USD cả năm.
Câu trả lời có nhiều khả năng là không thể.
Căn cứ quan trọng nhất để suy đoán như vậy chính là quan hệ cung - cầu trên thị trường gạo thế giới năm nay sẽ không quá căng thẳng như những dự báo gần đây, đặc biệt là tình hình thị trường lúa gạo của “người khổng lồ” Ấn Độ đã và đang có những dấu hiệu tốt lên trông thấy.
Cụ thể, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa công bố, tuy tổng sản lượng gạo thế giới năm nay chỉ tăng thêm chưa đến 1 triệu tấn so với những dự báo trước đó, nhưng trong đó sản lượng gạo của Ấn Độ tăng thêm 1,5 triệu tấn và đây cũng chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định để cơ quan này đưa ra dự báo về dự trữ gạo cuối kỳ của thế giới sẽ tăng thêm 1,2 triệu tấn, còn của Ấn Độ sẽ tăng thêm 1,5 triệu tấn.
Không những vậy, những thông tin của Chính phủ Ấn Độ gần đây cho thấy sản lượng gạo vụ mùa quan trọng nhất trong năm (Kharif) hiện đang trong giai đoạn thu hoạch rộ sẽ tăng 2,2 triệu tấn, chứ không phải 1,5 triệu tấn như nói trên.
Bên cạnh đó, diện tích lúa mì vụ hè của nước này tăng 2,29 triệu ha, đạt kỷ lục 27,85 triệu ha, đưa sản lượng lúa mì lên kỷ lục 80,85 triệu tấn.
Chính vì những lý do nêu trên, mặc dù Chính phủ Ấn Độ đã có động thái để nhập khẩu ước khoảng 500.000 tấn gạo từ Indonesia và phía Indonesia đã tỏ ra sẵn sàng, nhưng cho tới thời điểm hiện tại các doanh nghiệp Ấn Độ vẫn dửng dưng.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là khi những đồn đoán về việc Ấn Độ sẽ nhập khẩu khoảng 2-3 triệu tấn, thậm chí 5 triệu tấn gạo trong năm nay đang ngày càng “nguội dần”, triển vọng giá gạo thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao ngất ngưởng như Vinafood II đã thắng thầu tại Philippines là điều ít có khả năng xảy ra.
Trong bối cảnh như vậy, việc cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới Thái Lan trong năm nay vừa phải kiềm chế khối lượng xuất khẩu để giữ không cho giá gạo thế giới tụt dốc quá mạnh, vừa đặt mục tiêu giá xuất khẩu thấp hơn năm 2009 có lẽ là phù hợp.
Cụ thể, các thông tin mới đây của Thái Lan cho biết dù tồn kho gạo của nước này sẽ tăng vọt vào cuối năm nay, nhưng quốc gia này sẽ chỉ xuất khẩu 9 triệu tấn và hướng tới mục tiêu kim ngạch 5-5,2 tỉ USD trong năm nay. Như vậy, nếu so với 8,57 triệu tấn trong năm 2009, khối lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm nay chỉ tăng 430.000 tấn (5,02%), còn kim ngạch hoặc sẽ giữ nguyên như năm 2009 (5 tỉ USD), hoặc chỉ tăng 4,7%.
Như vậy, thay vì mức giá 583,4 USD/tấn đạt được trong năm 2009, mục tiêu hướng tới của Thái Lan trong năm nay là xuất khẩu với giá khoảng 556-578 USD/tấn, nghĩa là giảm 1-4,7%.
Nói tóm lại, sau bốn cuộc đấu thầu nhập khẩu gạo dồn dập của Philippines với giá tăng đột biến, một phần bắt nguồn từ lý do thiên tai, phần khác do quốc gia này sắp bước vào bầu cử quốc hội. Còn sau đó, đột biến tiếp theo mà người ta đồn đoán chính là việc Ấn Độ sẽ nhập khẩu gạo ồ ạt, nhưng càng ngày khả năng này càng ít nên xu thế giá gạo thế giới giảm là điều khó tránh. Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy nếu Ấn Độ có nhập khẩu gạo để làm dịu cơn sốt giá gạo trong nước thì cũng sẽ nhập khẩu nhỏ giọt và quy mô gần như chắc chắn sẽ không lớn.
Nếu đúng như vậy, việc nâng mục tiêu tăng vọt giá gạo xuất khẩu của nước ta trong năm nay lên ngang ngửa với giá của Thái Lan (90-92%), trong khi năm 2009 chỉ bằng 69,45%, thật khó thông đồng bén giọt.