Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trăn trở trữ gạo
03 | 03 | 2010
ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân trong niềm trăn trở và lo lắng từ nhiều phía. Tại cuộc họp tổng kết xuất khẩu gạo năm 2009, triển khai thu mua lúa gạo năm 2010 (tổ chức tại An Giang ngày 2-3), lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL và doanh nghiệp đang đặt niềm tin, hy vọng vào vai trò điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Năm mới, nỗi lo cũ

Ngay sau khi VFA phân bổ và thông báo chỉ tiêu mua vào 1 triệu tấn gạo hàng hóa tạm trữ, 30 doanh nghiệp có điều kiện mua dự trữ tại các tỉnh sản xuất lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL đã vào cuộc. Có đơn vị đã mua hơn 100.000 tấn gạo tạm trữ. Một số doanh nghiệp đang tổ chức lại lực lượng thương lái, hàng xáo làm vệ tinh mua gạo.

“Sau khi các doanh nghiệp triển khai mua lúa tạm trữ, giá lúa ở ĐBSCL đang bình ổn trở lại, nông dân bớt hoang mang. Giá lúa có thể tăng trở lại trong thời gian tới” - ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho biết. Hiện giá lúa đang dao động ở mức 3.800 - 4.300 đồng/kg (tùy theo nông dân bán tại ruộng hay sau khi phơi sấy).
 
“Sốt ruột, lo lắng, bối rối nhất là tiêu thụ lúa đông xuân” - ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA nhìn nhận. Theo ông Phong, khoảng tháng 5, tháng 6-2010 mới lộ diện rõ các nước cần nhập khẩu gạo. Trước mắt VFA cho biết sẽ mua vào 1 triệu tấn gạo hàng hóa tạm trữ theo giá thị trường, nhưng bảo đảm giá gạo quy lúa không dưới giá tối thiểu 4.000 đồng/kg lúa khô, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thương lái đến tận ruộng để thu mua lúa của nông dân. Ảnh: Cao Phong

Nét mới trong kênh tiêu thụ lúa gạo hàng hóa năm nay: VFA yêu cầu các doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu công bố các điểm mua trên các phương tiện thông tin. VFA sẽ họp báo thông tin rộng kế hoạch mua vào để nông dân biết và bán lúa gạo cho doanh nghiệp.

Gạt qua những “gam màu sáng” trong xuất khẩu gạo năm 2009 (xuất khẩu hơn 6 triệu tấn, cao nhất 20 năm qua) và những dự báo khả quan về thị trường năm 2010, nhiều mối lo ngại và băn khoăn đang hiện ra. Không ít doanh nghiệp lo lắng: Nếu “ôm lúa gạo” tạm trữ lâu sẽ chịu lãi suất ngân hàng rất cao (từ 14%-18%/năm), trong khi đầu ra vẫn chưa rõ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên trấn an các doanh nghiệp: “Trong quá trình mua lúa gạo tạm trữ, có gì vượt thẩm quyền, tổ điều hành xuất khẩu gạo sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ”. Đại diện VFA đã cũng giải tỏa cho doanh nghiệp khi công bố, sẽ ưu tiên phân bổ chỉ tiêu các hợp đồng tập trung sắp tới cho doanh nghiệp mua tạm trữ.

Tuy nhiên, nỗi lo cũ lại hiện lên. Ông Nguyễn Tấn Sơn, Giám đốc Công ty CP Du lịch An Giang và ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực sông Hậu đều báo động về tình trạng các doanh nghiệp chào bán gạo dưới giá sàn, nói đúng hơn là bán phá giá.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết: “Một nghị định mới về xuất khẩu gạo đang trình Chính phủ, trong đó có chương xử phạt. Nếu doanh nghiệp có sai phạm lặp đi, lặp lại gây thiệt hại nặng lợi ích cộng đồng sẽ bị rút giấy phép”.
 
Băn khoăn giá thành

Việc VFA tuyên bố “mua bảo đảm giá gạo quy lúa không dưới giá tối thiểu 4.000 đồng/kg lúa khô, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại kho doanh nghiệp, nông dân lãi 40%…” nghe đáng mừng. Song có nhiều ý kiến băn khoăn về cách tính giá thành sản xuất lúa của nông dân hiện nay.

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phân tích: “Hiện 11/16 chỉ tiêu tính thành sản xuất lúa của nông dân đều tăng giá. Giá thành tạm tính của nông dân sản xuất lúa ở An Giang là 2.740 đồng/kg, doanh nghiệp mua lúa của nông dân với giá 4.200 đồng/kg là đẹp nhất”. Trong khi đó, từ đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân đến nay chưa có cơ quan nào tính cụ thể giá thành sản xuất lúa để từ đó quy ra giá thu mua lúa và nông dân có lãi 30%.

Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận: “Cách tính giá thành sản xuất lúa hiện nay cần cải phải nghiên cứu, cải thiện theo một số chỉ tiêu: Lãi vay ngân hàng, tiền thuê đất…

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng: “Bộ NN-PTNT mong muốn có một đơn vị độc lập phân tích cách tính giá thành sản xuất lúa. Phải tính bài bản, khoa học để làm chiến lược chứ không phải xử lý vụ việc. Việc giúp nông dân hạ giá thành sản xuất là cần thiết nhưng nếu hạ giá thành sản xuất lúa của nông dân để lấy thành tích, không định lượng đúng công sức họ bỏ ra, dẫn đến mua lúa không đúng “mức lợi nhuận thấp nhất 30%”… là việc cần xem xét thấu đáo.
 

Thương lái mua lúa - một trong những khâu tiêu thụ lúa quan trọng cần được tổ chức lại.

Trước mắt, nông dân tạm yên tâm khi ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA tuyên bố: “Sau khi mua 1 triệu tấn lúa tạm trữ, nếu lúa hàng hóa còn sẽ triển khai mua tiếp. VFA sẽ giám sát chặt 30 doanh nghiệp được giao chỉ tiêu mua gạo tạm trữ! Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xem hàng xáo (thương lái) là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, từng bước tổ chức họ thành hệ thống vệ tinh cho doanh nghiệp.

Con số thống kê do VFA đưa ra không khỏi làm nhiều người lo ngại: Năm 2009, có đến 216 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có 63 doanh nghiệp xuất khẩu từ 10.000 tấn trở lên, 44 doanh nghiệp xuất khẩu từ 1.000 - 5.000 tấn, 12 doanh nghiệp xuất khẩu 500 - 1.000 tấn, thậm chí có doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 1 tấn. 

Ông LÊ MINH TRƯỢNG, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu: Nên công bố mua tạm trữ ngay đầu năm

Nhiều năm nay, tình trạng bán phá giá lặp đi, lặp lại nhiều lần nhưng các bộ hữu quan và VFA chưa có giải pháp chặt chẽ để quản lý. Sắp tới cần có biện pháp xử lý triệt để. Nếu phát hiện doanh nghiệp nào bán phá giá nên rút giấy phép kinh doanh - dù đó có là “đại gia” xuất khẩu gạo.

Theo tôi, cần cụ thể hóa việc mua tạm trữ lúa gạo hàng hóa ngay đầu năm, chứ không phải đợi giá rớt mới mua tạm trữ; đồng thời, cần sớm công bố giá thành sản xuất lúa của nông dân để doanh nghiệp mua lúa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

Ông VÕ TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Công bố lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Nếu doanh nghiệp mua lúa trữ giá cao, sắp tới xuất khẩu giá thấp thì sao?! Tôi nghĩ rằng nếu vậy doanh nghiệp không dại gì mua. Do đó, cần phải công bố mức hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua lúa tạm trữ mới giữ được giá lúa. Trong đấu thầu xuất khẩu gạo cũng cần phải tính toán lại.

Để tránh tình trạng “phá giá” không nên để nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia đấu thầu, cần cử đại diện quốc gia tham gia đầu thầu, sau đó sẽ điều tiết hợp lý lại các doanh nghiệp trong nước.



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường