Giá cao su tự nhiên giảm mạnh trong tháng 11, giảm 13%, do nguồn cung từ các nước sản xuất tăng vững trong khi nhu cầu trì trệ. Mặt khác, sự suy yếu của thị trường vàng và dầu thô cũng tác động xấu tới thị trường này. Tại sở giao dịch Tokyo, cao su RSS3 kỳ hạn giao tháng 4/2007 hiện có giá tham khảo là 190,5Yên/kg, thấp hơn 41% so với mức giá cao kỷ lục 324,50 Yên/kg hồi tháng 6. Giá cao su RSS3 tại Thái Lan cũng giảm 46% từ 283 UScent/kg xuống 150 UScent/kg. Cung cao su ở Thái Lan - nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới – đang bước vào mùa cao điểm, trong khi thiếu vắng khách hàng Trung Quốc. Trung Quốc đã nhập khẩu 1,32 triệu tấn cao su trong 10 tháng đầu năm 2006, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, lúc này Trung Quốc còn rất nhiều cao su dự trữ, và khách hàng nước này có điều kiện để chờ đợi giá giảm. Trung Quốc phải nhập khẩu trên 60% nhu cầu cao su thiên nhiên và khoảng 40% nhu cầu cao su tổng hợp.
Mặc dù các nước sản xuất đã nói nhiều đến việc Hội đồng Cao su Ba bên Quốc tế (ITRC) và Consortium Cao su Quốc tế (IRCo) sẽ can thiệp tránh giá giảm quá mạnh, xong cho đến nay hai tổ chức này vẫn chưa có hành động gì, và nhiều nhà phân tích bắt đầu tỏ ra nghi ngờ về khả năng họ có thể gây ảnh hưởng tới giá. Giá cao su thiên nhiên đã giảm trên 40% từ mức cao điểm hồi tháng 6 do sản lượng ở Đông Nam Á tăng lên và giá dầu thô giảm – cao su thiên nhiên cạnh tranh trực tiếp với cao su tổng hợp. Họ cho rằng thậm chí ngay cả khi ITRC can thiệp vào thị trường thì ảnh hưởng của nó cũng sẽ không lớn, vì nó sẽ không thể có tác động trong một thời gian dài, mà sản lượng ở Đông Nam Á vẫn đang tăng lên.
Nhiều khả năng xu hướng giảm giá cao su tự nhiên hiện nay sẽ còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm, một phần vì giá đã lên tới mức cao lịch sử và chính điều đó đã dẫn tới việc người trồng cao su tăng diện tích trồng loại cây này. Các nước sản xuất đã bắt đầu tăng diện tích trồng cao su từ năm 2002, và sau đó 4-5 năm cây sẽ cho thu hoạch, tức là cung mủ cao su thế giới sẽ bắt đầu tăng từ cuối năm nay. Nhu cầu lốp xe thấp ở Mỹ - thị trường tiêu thụ lốp xe lớn nhất thế giới - dự kiến cũng sẽ góp phần tác động giảm giá cao su tự nhiên trong những tháng còn lại của năm nay, vì nó sẽ góp phần làm dịu lại tình trạng khan hiếm cao su trên thị trường thế giới. Ngành lốp xe tiêu thụ xấp xỉ 75% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.
Ước tính sản lượng cao su tự nhiên của các nước sản xuất chính ở châu Á như Thái Lan, Indonexia và Malaysia sẽ tăng 4,8% trong năm 2006, đạt 6,6 triệu tấn, so với 6,3 triệu tấn năm ngoái, nhờ thời tiết tốt và giá cao. Ba nước này chiếm khoảng 70% sản lượng cao su toàn cầu. Thái Lan, nước sản xuất cao su số 1 thế giới, chắc chắn sẽ sản xuất khoảng 3,03 triệu tấn cao su trong năm 2006, so với 2,937 triệu tấn năm trước. Malaysia sẽ sản xuất 1,2 triệu tấn so với 1,126 triệu tấn năm 2005, xong của Indonexia khả năng sẽ không thay đổi nhiều. Khói từ các đám cháy rừng ở Indonexia có thể làm hạn chế sản lượng cao su thiên nhiên của nước này ở mức 2,2-2,3 triệu tấn trong năm nay, giảm khoảng 100.000 tấn so với dự đoán trước đây. Năm 2005, Indonexia sản xuất 2,27 triệu tấn cao su, tăng 10% so với năm 2004. Dự báo sản lượng cao su nước này năm 2007 sẽ đạt 1,9 đến 2,1 triệu tấn.
Dự báo giá cao su tự nhiên sẽ tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm bởi hai nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái lan và Malaysia sẽ bước vào mùa thu hoạch cao điểm ở tháng 12 và tháng 1. Tuy nhiên, sau đó nguồn cung sẽ giảm dần, khi mùa thu hoạch cao điểm qua đi. Nếu Trung Quốc trở lại thị trường, giá sẽ nhanh chóng hồi phục. Trung Quốc là nước nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, chủ yếu từ Thái Lan, Indonexia và Malaysia. Mặc dù giá cao su thế giới đang giảm, dự báo giá cao su tự nhiên kỳ hạn tại Trung Quốc sẽ lập kỷ lục mới, đạt trên 30.000 NDT/tấn vào năm 2007 do nhu cầu tăng mạnh tại thị trường này, chủ yếu xuất phát từ ngành lốp xe - chiếm 50-60% tiêu thụ cao su thiên nhiên.