Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
XK Cà phê : Làm sao gỡ khó ?
17 | 03 | 2010
Theo các DN XK cà phê, chưa bao giờ họ gặp khó khăn như giai đoạn hiện nay, giá cà phê đang xuống rất thấp, kéo theo lượng cà phê XK mấy tháng đầu năm nay cũng giảm mạnh. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng không biết đến bao giờ cà phê VN mới không bị phụ thuộc vào các nhà đầu cơ thế giới ?

Lượng cà phê xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2010 là 280 nghìn tấn, đạt giá trị 411 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 26,78% về lượng và 12,52% về giá trị. Điều này hoàn toàn trái ngược với những nhận định của các DN hồi cuối niên vụ cà phê trước. Đó là năm 2010, nền kinh tế hồi phục, giá cà phê sẽ khởi sắc. Điều này cho thấy, giá cà phê đang "nhảy múa" không theo quy luật thị trường.

"Mổ xẻ" nguyên nhân

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của những khó khăn hiện nay của ngành cà phê vẫn là bị các thương lái quốc tế thao túng, trong khi các DN XK cà phê XK chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua nên bị ép giá.

Nhận định về tình hình thị trường cà phê, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (VICOFA) cho rằng, ngành cà phê trong nước phải đối mặt với những biến động quá lớn, diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều DN XK cà phê theo phương thức trừ lùi đang bị thua lỗ rất nặng, vì có những DN ký hợp đồng trừ lùi lên đến 90-100 USD/tấn, thậm chí 120 USD/tấn lúc đầu vụ.

Nói về nguyên nhân khiến cà phê gặp khó khăn, ông Vân Thành Huy - Tổng Giám đốc Cty Inexim Đak Lak, một DN XK cà phê hàng đầu cho rằng, hoạt động XK cà phê của VN luôn bị các nhà đầu cơ quốc tế thao túng. Khi họ biết các DN VN còn nhiều lô hàng nên họ chờ thời điểm sẽ "ép giá" thấp để mua. Chưa hết, giám đốc một DN cà phê cho biết, hiện ông như ngồi trên lửa, bởi trong lúc các DN trong nước đang gặp khó cả về thị trường XK, cả về thiếu vốn để thu mua cà phê thì nhiều DN nước ngoài đã tranh thủ "đục nước béo cò" nhảy vào trực tiếp thu mua cà phê của nông dân.

Trên thực tế, bài học "ép giá" không phải đến bây giờ mới xảy ra với ngành cà phê, mà nhiều năm trở lại đây hiện tượng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong khi ngành cà phê vẫn chưa có thuốc đặc trị khiến các DN XK loay hoay. "Con bài" mà giới đầu cơ quốc tế thường sử dụng để ép giá năm nay vẫn không có gì mới so với những năm trước. Đó là sử dụng sức mạnh tài chính để khống chế và ép giá xuống.

Tìm thuốc đặc trị

Thông thường các DN XK cà phê chỉ XK được trong khoảng thời gian từ quý 4 năm trước đến quý 1 năm sau. Tuy nhiên, giờ đã gần hết quý 1 năm 2010 nhưng lượng cà phê XK của các DN còn rất thấp. Theo tính toán, hiện vẫn còn khoảng 600 nghìn tấn cà phê của các hộ nông dân chưa tiêu thụ được.

Trước khó khăn đó của DN, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp với các bộ, ngành liên quan về biện pháp hỗ trợ thu mua tạm trữ cà phê cho nông dân, và đề ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ cà phê.

VICOFA cũng đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét có chính sách ưu đãi vốn vay để DN có thể mua và ký gửi cho nông dân khoảng 200.000 tấn cà phê nhân mỗi năm, chọn thời điểm thích hợp bán ra để điều tiết thị trường. Kiến nghị này đã được các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính đồng tình.

Một trong những giải pháp đang được nhiều DN cà phê mong đợi là Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) đang chuẩn bị các bước cần thiết để triển khai dịch vụ giao dịch cà phê kỳ hạn vào tháng 4 tới đây. Nếu đi vào hoạt động, nó sẽ tương tự như các sàn giao dịch cà phê ở London hay New York. Sàn giao dịch cà phê này sẽ dựa trên nhu cầu đa dạng của các DN kinh doanh cà phê, đáp ứng các kế hoạch kinh doanh dài hạn, đồng thời nhằm chuẩn hoá thị trường nội địa và giảm thiểu thời gian chuẩn bị hàng hóa cho các nhà XK khi mua hàng tại sàn.


Mặc dù có nhiều giải pháp đưa ra cho vấn đề cà phê, tuy nhiên theo các chuyên gia vẫn là do các DN chưa có tính liên kết, hợp lực để đối phó với bài ép giá của thương lái quốc tế. Ngoài ra, vấn đề vốn cũng là vấn đề cần bàn của các DN cà phê. Nói như ông Vũ Đức Tiến - GĐ Cty cổ phần đầu tư XNK cà phê Tây Nguyên, để giải bài toán "tắc nghẽn" XK cà phê, cần một cơ chế hỗ trợ vốn cho DN xoay vòng. Nếu có vốn và cơ chế hỗ trợ, DN trong nước có thể an tâm giữ hàng đợi giá cao mới bán. Như vậy, hàng hóa của DN mới có thể tránh tình trạng bị ép giá và bán tháo để gom vốn trả nợ."Ngân hàng cần thời gian cho vay dài hơn và hỗ trợ mức lãi trong khoảng thời gian giá hàng XK sụt giảm mạnh như mặt hàng cà phê hiện nay" - Ông Tiến nói.



Theo InfoTV
Báo cáo phân tích thị trường