Chiến lược đề ra cho ngành gỗ là đạt kim ngạch XK 5,4 tỷ USD vào năm 2015 và nâng lên 7 tỷ USD vào năm 2020, bởi vậy năm nay tối thiểu phải đạt 3 tỷ USD. Đáng mừng là XK gỗ đã đạt kim ngạch 270 triệu USD trong tháng 1, đến tháng 2 đạt 220 triệu USD, và sang tháng 3 nâng lên 280 triệu USD, chủ yếu vào thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU. Thông thường những tháng đầu năm, tiêu thụ gỗ thường thấp vì vụ XK chính là từ tháng 9 đến tháng 12, trong khi quý 1, toàn ngành đã đạt gần 26% kế hoạch cả năm, càng có cơ sở để khẳng định sẽ đạt mục tiêu. Từ tháng 12/2009, nhiều DN miền Trung và miền Nam đã ký được hết hợp đồng XK đồ gỗ cho cả năm 2010, thậm chí nhiều DN ký được hợp đồng cho năm 2011.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tôn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho rằng, DN XK trong ngành đang phải đối mặt với 3 rào cản lớn. Thứ nhất, DN không còn nhiều thời gian ứng phó khi đạo luật mới của Mỹ (Lacey) có hiệu lực từ ngày 1/4/2010 và của EU (FLEGT) có hiệu lực từ tháng 1/2012, với yêu cầu chung là nhà XK phải trình bày chuỗi hành trình của lâm sản từ khâu khai thác đến thành phẩm một cách minh bạch để nhà chức trách có thể truy xét nguồn gốc nguyên liệu. Song, hiện DN Việt Nam vẫn thiếu hiểu biết để sẵn sàng ứng phó với các đạo luật này vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía các cơ quan chức năng. Hơn nữa, DN chế biến gỗ không đủ tài chính để triển khai và xin cấp chứng chỉ vì mỗi lâm trường trồng rừng nguyên liệu gỗ cần 2 triệu USD thì mới triển khai được, trong khi nhiều đối tác nước ngoài đã chủ động tháo gỡ vấn đề này.
Thứ hai, hiện Việt Nam không biết quốc gia nào, công ty nào có thể bán gỗ cho Việt Nam với đầy đủ các giấy phép như vậy. Trước kia, nhập khẩu gỗ chỉ cần quan tâm đến chứng chỉ rừng FSC nhưng nay, ngoài FSC ra còn cần nhiều chứng chỉ khác.
Cái khó thứ ba, là sức cạnh tranh của DN gỗ Việt Nam còn kém so với DN nhiều quốc gia khác như Myanmar, Malaysia, Indonesia..., bởi những nước này có đủ nguồn gỗ không phải nhập khẩu nguyên liệu nên giá thành thấp hơn.