Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý giá đường
07 | 04 | 2010
Giá đường thế giới giảm hơn 30%, trong nước chỉ giảm nhỏ giọt. Đường nhập lậu lại tràn về

Gần cả tháng nay, giá đường thế giới liên tục giảm mạnh. Thế nhưng khác với diễn biến chung, giá đường trong nước lại chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí giá bán lẻ trên thị trường vẫn đứng ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg, gần bằng mức giá cao nhất thời gian qua.


Hè nhau kìm giá


Giá đường trong nước bị đẩy lên cao là do một số doanh nghiệp đang tìm cách liên kết thao túng thị trường. Thậm chí, có chủ doanh nghiệp còn kêu gọi các nhà máy đường không nên đưa đường ra thị trường khi giá cả xuống như hiện nay để giữ giá.

Đến thời điểm này, giá đường thế giới chỉ còn khoảng 484 USD/tấn. Nếu so với lúc cao điểm cách nay gần 2 tháng giá đường ở mức khoảng 753 USD/tấn thì giá hiện nay đã giảm hơn 30%.

Theo tính toán của giới kinh doanh mặt hàng này, nếu tính đầy đủ các khoản chi phí, thuế... thì giá đường chưa tới 9.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường bán tại các chợ ở quận 5, quận 6 - TPHCM hiện nay vẫn từ 16.000 đồng - 18.000 đồng/kg, tùy loại. Giá bán tại các siêu thị cũng như nhiều chợ lẻ trên địa bàn TPHCM từ 19.000 đồng- 20.000 đồng/kg... 


Giải thích hiện tượng giá đường trong nước đang cách biệt quá lớn so với giá thế giới, các doanh nghiệp (DN) sản xuất đường cho biết khi giá đường thế giới giảm thì từ giữa tháng 3 đến nay, họ cũng đã điều chỉnh giảm dần. Giá bán buôn hiện nay chỉ còn 15.200 đồng/kg, riêng giá bán lẻ còn quá cao là do thị trường quyết định.

Một số DN còn cho biết nguồn đường của họ hiện không còn nhiều, chủ yếu đường nằm trong khâu lưu thông, giá cả do giới kinh doanh điều tiết... Ngoài ra, do giá mua mía nguyên liệu cao, nay giá đường rơi xuống thấp đã đẩy họ đến bờ vực lỗ lã.



Đường ngập chợ nhưng giá vẫn cao (ảnh chụp tại khu vực chợ Bình Tây, quận 6 - TPHCM). Ảnh: Hồng Thúy


Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ, nói: Giá mía nguyên liệu cuối vụ ở đồng bằng sông Cửu Long đang tăng quá cao, lên 1,3 triệu- 1,4 triệu đồng/tấn do có đến 10 nhà máy tranh giành nhau một vùng mía nguyên liệu.

Nay giá đường giảm mạnh kể như lỗ nặng. Trong khi khu vực miền Trung, miền Bắc, giá mía nguyên liệu chỉ có 700.000 đồng- 800.000 đồng/tấn, nếu giá đường có giảm mạnh cũng không ảnh hưởng gì đến nhà sản xuất...


Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, giá đường trong nước cao là do đang có hiện tượng kìm giá. Theo giới buôn bán đường thì giá đường trong nước vừa qua bị đẩy lên cao là do có một số DN đang tìm cách liên kết thao túng thị trường.

Tại cuộc họp của Hiệp hội Mía đường VN vừa tổ chức tại TPHCM cuối tháng 3 vừa qua, điều làm nhiều người ngạc nhiên là nhiều DN chỉ tập trung bàn cách làm thế nào để giữ giá đường không cho xuống tiếp.


Không thiếu đường

Theo Hiệp hội Mía đường VN, tính đến hết tháng 3, các nhà máy đã sản xuất được 769.100 tấn đường, giảm 15.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 20/40 nhà máy đường vẫn tiếp tục hoạt động cho đến tháng 5 với sản lượng hơn 174.000 tấn, đủ sức cung cấp cho thị trường từ nay đến mùa vụ mới (khoảng tháng 9).

Còn các vấn đề như phát triển vùng nguyên liệu, phối hợp với nông dân trong việc trồng mía và thu mua mía sao cho cả DN và người trồng mía có lãi thì gần như không bàn đến. Thậm chí chủ tịch HĐQT một công ty mía đường khá lớn còn kêu gọi các nhà máy bạn không nên đưa đường ra thị trường khi giá cả xuống như hiện nay để giữ giá bởi: “Nếu càng đẩy hàng ra nhiều, giá sẽ tuột dốc nhanh hơn, nhất là vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ đường thấp như hiện nay...”.


Đường lậu tung hoành


Việc giá đường trong nước vẫn đứng ở mức cao trong khi giá đường thế giới đã giảm rất mạnh đã tạo cơ hội cho đường nhập lậu từ Thái Lan tràn sang. Theo ước tính của Hiệp hội Mía đường VN, hiện có ngày tại khu vực biên giới các tỉnh miền Tây, đường lậu tràn sang với số lượng lên đến cả trăm tấn.


Giới kinh doanh mặt hàng này cho biết giá bán buôn đường lậu Thái Lan hiện chỉ khoảng 13.500 đồng/kg, rẻ hơn đường trong nước trên 1.000 đồng/kg. Đường lậu trước khi xâm nhập vào VN được thương lái thay đổi bao bì thành hàng trong nước hoặc sử dụng lại bao bì nhập khẩu chính thức rồi tìm cách hợp thức hóa để tiêu thụ.



Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường