Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiểm soát VSATTP theo chuỗi: Triển vọng cho hàng nông sản Việt Nam
13 | 04 | 2010
Bắt đầu từ 1/7/2010, Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) sẽ được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với hàng nông sản có nguồn gốc thực vật từ khi sản xuất đến khi tiêu thụ ra thị trường. Cơ chế phân chia nhiệm vụ rạch ròi này hứa hẹn mở ra triển vọng về nâng cao chất lượng cho hàng nông sản Việt Nam, không chỉ đảm bảo cho tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

73% hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV sai quy trình

Theo bà Phùng Mai Vân, Phó Phòng thanh tra Cục BVTV, thuốc BVTV ở nước ta hiện nay chủ yếu là nhập của nước ngoài. Hàng năm, các cơ quan chuyên ngành tiến hành lấy gần 4.000 mẫu thuốc BVTV nhập khẩu để kiểm tra chất lượng. Bình quân mỗi năm có khoảng 10% số mẫu kiểm tra không đạt chất lượng nhập khẩu. Năm 2009, qua kiểm tra hơn 600 mẫu thuốc BVTV tại 15 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc BVTV lưu thông trên thị trường của 24 tỉnh, thành phố thì có 7% số mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Theo bà Vân, những vi phạm chủ yếu nằm ở khâu buôn bán thuốc: Người bán không có chứng chỉ hành nghề hoặc không có trình độ chuyên môn. Mỗi năm Thanh tra Cục BVTV đã tiến hành kiểm tra được khoảng 14.000 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, trong đó có 40% số cơ sở không đủ điều kiện; 20% số cơ sở có hành vi sản xuất, buôn bán thuốc có nhãn không đúng quy định.

Theo báo cáo của Cục BVTV, trong 8 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (BV&KDTV) từ 2002 – 2009, bình quân mỗi năm xử phạt hành chính vi phạm Pháp lệnh gần 2 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2008 và 2009, mỗi năm phạt hành chính từ 2.000 – 3.000 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra hình sự đối với hành vi vi phạm Pháp lệnh BV&KDTV còn ít.

Cùng với đó, sự thiếu hiểu biết của người nông dân trong quá trình sử dụng thuốc BVTV cũng rất phổ biến. Hàng năm, thanh tra chuyên ngành BV&KDTV đã tiến hành từ 500 – 600 lượt thanh tra. Cụ thể kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV của người sản xuất được khoảng 5.000 lượt hộ nông dân/năm, tỷ lệ vi phạm chiếm khoảng 25%. Trong đó chủ yếu là sử dụng thuốc BVTV không đúng quy trình kỹ thuật (chiếm 73%) và không đảm bảo thời gian cách ly (khoảng 20%). Bà Vân cho biết, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng quy trình kỹ thuật không những không có tác dụng đối với việc phòng trừ sâu bệnh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và gây ô nhiễm môi trường.

Kiểm soát chuỗi - Nâng cao chất lượng nông sản

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về công tác kiểm tra giám sát VSATTP, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư số 05/2010/TT – BNNPTNT ngày 22/1/2010. Trong đó quy định Cục BVTV chịu trách nhiệm về công tác kiểm tra, giám sát VSATTP hàng nông sản có nguồn gốc thực vật trước khi đưara thị trường. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Hữu Huân cho biết: Lâu nay việc quản lý VSATTP nông sản, nhất là nông sản nhập khẩu bị “vướng” ở khâu trách nhiệm ai kiểm tra? Do bị bỏ ngỏ dẫn đến chất lượng nông sản không được kiểm soát chặt chẽ. Trong hai năm 2008 – 2009, qua lấy mẫu rau quả kiểm tra dư lượng thuốc BVTV thì có 11,65% mẫu rau và 15,15% mẫu quả kiểm tra có dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức giới hạn tối đa cho phép. Thông tư 05 của Bộ sẽ tạo cơ chế kiểm tra, giám sát VSATTP nông sản rau quả tốt hơn.

Ông Huân cho biết thêm: Khi kiểm soát tốt chất lượng rau quả theo chuỗi từ khâu gieo trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói đến khi tiêu thụ sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Hơn nữa, khi đã đảm bảo về chất lượng thì nông sản Việt Nam có cơ hội chen chân vào các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật, Úc… Hiện tại, số lượng nông sản của Việt Nam được xuất vào các thị trường này vẫn còn hạn chế. Chia sẻ với ý kiến trên, ông Phan Vinh Quang, Phó Giám đốc Dự án Hỗ trợ thúc đẩy thương mại (STAR) cho rằng: “Trong quá trình hội nhập, ngành nông nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, để hội nhập được thì nông sản phải đảm bảo VSATTP, đáp ứng yêu cầu rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế”.

Năm 2010, Bộ NN&PTNT xác định đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Theo ông Nguyễn Hữu Huân, để kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn trên thì cần có sự tham gia của chính quyền địa phương. Hiện nay, nhiều DN sẵn sàng bỏ ra một khoản để tiêu hủy vỏ bao thuốc BVTV nhưng địa phương cũng cần dành đất xây dựng chỗ thu gom. Việc áp dụng mô hình quản lý thuốc BVTV cấp xã sẽ có tác dụng nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương về quản lý, sử dụng thuốc BVTV theo “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách và đúng lúc. Hiện tại, mô hình đang được triển khai thí điểm có hiệu quả tại hai xã ở Thái Bình và Hà Nội.



Theo Kinh tế & Đô thị
Báo cáo phân tích thị trường