Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giấy “thông hành” cho thủy sản
26 | 04 | 2010
Có giấy chứng nhận Global GAP, giá trị thương hiệu cũng như niềm tin của khách hàng vào sản phẩm gia tăng rất nhiều.

“Cần tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến khi sản phẩm bày ở bàn ăn của khách hàng”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương nhấn mạnh tại hội thảo về nâng cao chất lượng thủy sản Việt Nam trong khuôn khổ Festival thủy sản tại Cần Thơ.

Rào cản kỹ thuật ngày càng dày

Theo Cục Nuôi trồng thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, giá trị xuất khẩu và sản lượng liên tục tăng trong 24 năm qua… Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đạt mức 4,2 tỉ USD, tăng gấp sáu lần so với năm 1986. Theo dự kiến, năm 2010 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,5 tỉ USD.

Tiềm năng phát triển sản xuất, chế biến thủy sản của Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với không ít áp lực. Rào cản thương mại, kỹ thuật các nhà nhập khẩu dựng lên ngày càng dày, áp lực trước những vụ kiện chống bán phá giá đã gây nhiều bất lợi cho xuất khẩu.

Cho đến thời điểm hiện nay, cả nước mới có một vùng nuôi tôm và bốn vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn Global GAP. Hai loại thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước ta là tôm sú và cá tra lần lượt nhận chứng nhận Global GAP, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có thể tự tin thâm nhập các kênh phân phối khó tính nhất của thế giới.

Tuy nhiên, với chỉ vài chục đơn vị chế biến đạt tiêu chuẩn BRC (cung cấp đánh giá cơ bản về các công ty cung cấp thực phẩm cho các nhà bán lẻ) và IFS (tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế), vài vùng nuôi đạt tiêu chuẩn Global GAP so với tiềm năng thì rất thấp, không nhiều doanh nghiệp chế biến và vùng nuôi đạt được trình độ quản lý theo yêu cầu, quy định của EU.

Phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện

Ông Nguyễn Xuân Khôi, Giám đốc Chứng nhận Intertek Việt Nam, chia sẻ: “Thị trường EU chiếm một vị trí đặc biệt trong xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam. Trong số gần 4,2 tỉ USD giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2009 thì EU chiếm gần 26%”.

Theo ông Khôi, EU là một thị trường khó tính với rất nhiều quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và chú trọng nguồn gốc của sản phẩm. Nếu như trước đây các doanh nghiệp chế biến thủy sản chỉ cần áp dụng HACCP, ISO 9000 thì hiện nay áp dụng tiêu chuẩn BRC và IFS cho các nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và ISO 22000 (chứng nhận hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm) đang là điều kiện mua hàng của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới. Đồng thời, các vùng nuôi cũng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định IUU (bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010) đối với hải sản khai thác và đối với thủy hải sản nuôi trồng. Theo quy định IUU, tất cả hải sản khai thác nhập nhẩu vào EU phải chứng minh được hải sản của mình có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ hoạt động khai thác. Sản phẩm có đánh mã vạch và truy nguyên nguồn gốc từ nhà xuất khẩu, nhà máy sản xuất, vùng nuôi, nguồn cung cấp con giống, loại thức ăn đã sử dụng, thời gian nuôi, ngày bắt và chế biến...

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Phú, từ năm 2009, các siêu thị ở châu Âu yêu cầu nhà cung cấp phải có chứng nhận Global GAP. Năm 2009, sản phẩm tôm của Minh Phú chỉ bán được ở một số siêu thị nhất định. Đến khi có chứng nhận Global GAP, Minh Phú đã thực sự làm gia tăng giá trị thương hiệu của mình cũng như niềm tin của khách hàng vào sản phẩm do công ty làm ra.

Có thể nói áp dụng quy trình sản xuất để đạt tiêu chuẩn Global GAP thực sự không dễ dàng đối với các vùng nuôi thủy hải sản. Ở các trại nuôi thủy sản, nước ao nuôi khi thu hoạch xong được thải trực tiếp ra các hệ thống kênh mương và đổ ra sông. Nhưng nước thải ở trại Global GAP phải được lưu ở ao lắng cho chất thải chìm xuống, phần nước phía trên sẽ được làm sạch tự nhiên bằng cách thấm hoặc chảy tràn ra bể lắng thứ hai để đảm bảo tiêu chuẩn nước thải rồi mới được đổ ra sông. Ngoài ra còn có các vấn đề về con giống và thức ăn, đồng thời phải có cam kết và kinh phí thực hiện. Đây là thách thức lớn cho doanh nghiệp và người nuôi.

Còn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho rằng: Đến hết quý II-2010, việc đánh mã vạch cho vùng nuôi sẽ thực hiện xong, trên cơ sở đó các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản thực hiện việc ghi xuất xứ sản phẩm trên bao bì và thương hiệu hàng hóa của mình. Doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư trực tiếp cơ sở ở nước ngoài để cung ứng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Mặt khác, chú trọng thị trường nội địa, đây là thị trường đầy tiềm năng và ổn định.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường