Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản: Chưa thể quá lạc quan
26 | 04 | 2010
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong quí I/2010 kim ngạch XK mặt hàng này đã đạt 628 triệu USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2009, dự báo kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản trong năm có thể đạt 4,5 tỉ USD.

Những tín hiệu vui

Hầu hết các thị trường XK thủy sản chủ lực đều tăng trưởng mạnh như: Thị trường Mexico tăng 73% về lượng và 61% về giá trị; EU tăng gần 9%; Thị trường Mỹ tăng 32,2%. Nguyên nhân khiến kim ngạch XK mặt hàng này có thể đạt được kim ngạch cao như vậy là do nền kinh tế thế giới, nhất là các nước Mỹ, EU, Nhật Bản... là những thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam đang trên đà phục hồi. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết: Dự kiến tại thị trường EU, kim ngạch XK thủy sản trong năm 2010 sẽ đạt khoảng 1,4 tỷ USD chiếm 3,5% kim ngạch NK của cả thị trường. Có được như vậy là do cuối năm 2009 Bộ Y tế và Tiêu dùng Tây Ban Nha đã công nhận cá tra, cá ba sa XK Việt Nam đã đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của Liên minh Châu Âu đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch XK thủy sản vào thị trường này.

Bên cạnh đó, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (JVEPA) chính thức có hiệu lực từ 1/10/2009 nên 86% hàng nông sản, thuỷ sản của Việt Nam được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế, trong đó các mặt hàng tôm đã được giảm thuế suất nhập khẩu xuống 1 - 2%... Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn tăng cường mở rộng thị trường mới tại Đông Âu, Bắc Phi, Ấn Độ.

Nhiều rào cản

Mặc dù XK thủy sản đã đạt kim ngạch khá ấn tượng nhưng trong thời gian tới, việc tăng kim ngạch XK thuỷ sản sẽ gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu và thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu của thị trường trong nước.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep cho hay: Ngành thủy sản hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi thiếu nguyên liệu chế biến do diện tích nuôi giảm mạnh bởi giá thức ăn tăng quá cao khiến người nuôi bị lỗ vốn; Hiện sản lượng tôm chỉ đáp ứng từ 30- 50% nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến hàng XK. Không chỉ đối mặt với khó khăn thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, theo đánh giá của Bộ Công thương: Khó khăn lớn nhất cho XK thủy sản trong năm 2010, chủ yếu vẫn là xu hướng bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật bằng các tiêu chuẩn mới khắt khe hơn về dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Nguyễn Thành Biên- Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Bắt đầu từ năm 2010, quy định chống đánh bắt thủy sản trái phép (IUU) của EU bắt đầu có hiệu lực; Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang trong quá trình triển khai dự luật nông nghiệp 2008 (Farmbill), trong đó có điều khoản nhằm hạn chế việc nhập khẩu cá tra của Việt Nam, dựa trên việc mở rộng định nghĩa catfish và đưa cá tra của Việt Nam vào danh sách này để chuyển đối tượng này từ USFDA sang USDA quản lý, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, ngành thủy sản Việt Nam còn gặp sự cạnh tranh gay gắt nhằm phát triển thị trường của các nước Ấn Độ, Thái Lan, Indonexia, Philippines tại một số thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như: Mỹ, EU, Nhật… cũng sẽ là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Vấn đề là chất lượng sản phẩm

Để đạt kim ngạch XK 4,5 tỷ USD trong năm 2010 thì việc giải quyến nguồn nguyên liệu là vấn đề được đặt lên hàng đầu. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Muốn tăng sản lượng thủy sản nguyên liệu thì các vùng nuôi trồng thủy sản phải được đầu tư đảm bảo điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Để làm được điều này, trong thời gian tới các địa phương phải đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra; Cũng nhưcác đề án phát triển nuôi trồng thủy sản vừa được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để có thể tăng kim ngạch XK thủy sản thì ngành nuôi trồng đánh bắt thủy sản Việt Nam phải làm theo hướng tăng chất lượng, tăng khả năng truy nguyên nguồn gốc, làm theo các tiêu chuẩn toàn cầu... Những việc làm này không những sẽ làm tăng giá trị và uy tín của thủy sản Việt Nam, mà còn giúp tránh được những rào cản thương mại mà các nước đã dựng lên. Bên cạnh đó, ngân hàng cần có chính sách vay vốn ưu đãi đối với những hộ thực sự có nhu cầu, để họ tiếp tục sản xuất nhằm giải quyết vấn đề nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhằm giữ vững và phát triển thị trường XK các doanh nghiệp XK thủy sản cần liên kết lại với nhau để có sự thống nhất về giá, xây dựng thương hiệu Thủy sản Việt Nam, tránh trường hợp bán phá giá, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung.



Theo Kinh tế & Đô thị
Báo cáo phân tích thị trường