Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đảm bảo nông dân trồng lúa lời 30%: không điểm tựa!
07 | 06 | 2010
Nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch hè thu, lúa tuốt chất đống đầy đồng, mà doanh nghiệp, thương lái không chịu mua. Không phải vì thiếu đầu ra hay cạn kho chứa mà là do doanh nghiệp còn “thi gan”, chờ bộ Tài chính công bố giá thành, mới mua.

Trả lời báo Người Lao Động mới đây, ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thừa nhận, đến nay vẫn “chưa có động thái gì” triển khai doanh nghiệp hội viên mua lúa hè thu. Ông Bảy giải thích cho sự chậm chạp này là bởi, những lần trước, khi giá lúa xuống thấp, VFA “nhảy vào” yêu cầu các doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ thì bị mang tiếng. Rút kinh nghiệm, lần này phải chờ bộ Tài chính công bố giá thành, Chính phủ chỉ đạo mua tạm trữ thì triển khai làm!

Đầu ra lúa hè thu luôn là lo lắng của nông dân vì thời điểm xuống giống, chăm sóc thường thiếu nước, nắng hạn, mặn xâm nhập, còn khi thu hoạch thì mưa nhiều, khó phơi sấy. Chính vì vậy, giá thành sản xuất vụ hè thu luôn cao hơn đông xuân. Trong tình cảnh như vậy, những phát biểu của VFA, khiến nông dân hoang mang.

Thật ra, cách tính giá thành sản xuất lúa hè thu không khó. Ông Nguyễn Trí Ngọc, cục trưởng cục Trồng trọt thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói đơn vị này đã có trong tay số liệu, nhưng chưa thể công bố vì sợ “vênh” với bộ Tài chính – cơ quan chịu trách nhiệm công bố. Chúng tôi thử thăm dò số liệu ở một vài địa phương, thì một vài nơi cũng khá dè dặt công bố, vì họ sợ “nhạy cảm”, nếu đưa ra con số thấp thì bị nông dân chỉ trích, còn cao thì bộ Tài chính thổi còi.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định họ vẫn có thể mua lúa với giá sàn bằng vụ đông xuân, tức là 4.000 đồng/kg tại kho, nhưng với điều kiện phải có hỗ trợ lãi suất. Theo ông Phạm Văn Bảy, nếu yêu cầu doanh nghiệp mua lúa đảm bảo lãi 30% cho nông dân thì phải có giải pháp hỗ trợ mua tạm trữ, còn không thì doanh nghiệp khó có thể mua.

Trả lời báo chí, GS.TS Võ Tòng Xuân nêu lên bất cập: các cơ quan chức năng vận động nông dân trồng lúa nhưng khi có lúa thì họ lại không mua, như vậy có phải đẩy nông dân vào thế kẹt? Chính vì vậy, GS Xuân cho rằng, nông dân sẽ vẫn tiếp tục gặp bất lợi cho đến khi Nhà nước thực hiện việc thu mua lúa cho họ và đấu thầu bán lại cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường