Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đỏ đời nhờ... ớt
23 | 06 | 2010
“Chuyện mô hình cây nông nghiệp cho thu nhập 50 triệu đồng/ha là thường; 100 triệu/ha cũng không hiếm… Quê tôi, người dân chỉ trồng ớt cũng thu về 250 triệu đồng/ha, không tin anh về Bình Dương mà xem”, lão nông Bạch Hùng, Phó chủ nhiệm HTX Bình Dương, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) ra chiều như thách thức...

Được mùa, được giá!

Nắng như nung của những ngày tháng 6 như dịu đi khi đứng ven chân ruộng ớt xanh mướt đang vào kỳ thu hoạch của bà con đội 5, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) xã Bình Dương. Khuôn mặt đen sạm vì những ngày nắng gió không che được nét hồ hởi được mùa trên khuôn mặt, chị Phạm Thị Lắm cười tươi, nói: “3 sào ruộng có thể làm lúa được nhưng tính lời lãi, ớt có ăn hơn trồng lúa. Thổ nhưỡng tốt, thời tiết thuận lợi, giá lại cao nên vụ này được mùa, mừng lắm”.

Theo chị Lắm thì chỉ mới 2 tháng sau khi gieo trồng, qua khoảng 20 lần thu hoạch (3 ngày/lần), gia đình chị đã lời hơn 20 triệu đồng. Thông thường thì một vụ ớt có thể thu hoạch trong vòng 5 tháng, tính ra còn hơn 30 lần thu hạch nữa, với tình hình khả quan như hiện nay, số tiền chị Lắm thu về không dưới 60 triệu đồng.

Từng trồng ớt trên 10 năm, anh Nguyễn Tự, ở đội 8, cho hay, gia đình anh trồng 3 sào ớt, đều sử dụng giống 2 Mũi Tên Đỏ. Thời điểm xuống giống trồng vào cuối  tháng 12-2009, sau hơn 2 tháng bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 90 - 100kg, với giá bán tại ruộng trên 13.500 đồng/kg, đến nay, gia đình anh Tự thu gần 2 tấn ớt, tổng thu về hơn 25 triệu đồng.

Theo anh Tự, chưa có năm nào ớt được mùa, được giá như năm nay. “Năm ngoái tui cũng trồng ớt nhưng năng suất chỉ 6 tạ/sào, giá chỉ từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, mỗi sào thu lãi khoảng 3 đến 4 triệu đồng. Còn năm nay, như anh thấy lãi gần bằng một nửa khoản thu về” – anh Tự cười vui.

 “Sau khoảng 60 đến 70 ngày trồng là ớt cho thu hoạch. Tính bình quân, một cây có thể thu từ 1,5 - 2kg ớt. Thu hoạch ớt tuy dày công, kéo dài từ 5 đến 7 tháng, việc chăm sóc lại nhẹ nhàng, chi phí thấp, giá trị kinh tế cũng tăng gấp đôi so với hiện tại. Như vậy tính ra, 1 sào đất trồng ớt cho thu nhập không dưới 15 triệu đồng và 1ha đạt giá trị từ 250 -  300 triệu đồng” - chị Nguyễn Thị Ngân ở đội 2, xã Bình Dương tính nhanh.

Vẫn lo đầu ra

Gặp lại Bạch Hùng, ông cho biết: “Người dân ở đây trồng ớt đã nhiều năm rồi nhưng chỉ rộ lên vài năm gần đây. Bởi ớt dễ trồng, lại không nặng nhọc, kiếm lời khá và bán ra không khó khăn như các loại cây khác. Ở xã Bình Dương, vụ này cả xã có gần 30 ha ớt (chiếm 35% diện tích cây hoa màu của xã), tăng gấp đôi so với năm 2009. Vừa rồi, khi HTX sơ kết mùa vụ, thì cây ớt với thu hoạch 2 tháng đã cho giá trị 3 tỷ đồng. Đến khi kết thúc vụ đông xuân, doanh thu từ cây ớt sẽ tăng lên gấp đôi hoặc gấp 2,5 lần so với hiện tại”.

HTX mang giống về bán cho nông dân trong xã, cán bộ  HTX đến tận ruộng để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con từ khâu xuống giống đến chu kỳ thu hoạch; cho bà con nợ tiền giống, phân bón đến sau khi thu hoạch xong. Điều trăn trở của bà con cũng như lãnh đạo HTX Bình Dương là số diện tích bà con trong xã trồng còn nhỏ lẻ. Bởi khoảng 30ha nhưng có đến 300 hộ dân trồng ớt, hộ trồng nhiều nhất cũng chỉ 4 sào, đa số 1-2 sào/hộ. Thêm vào đó, cánh đồng ớt ở đây không tập trung mà nằm ở nhiều nơi, manh mún.

Anh Võ Tấn Đại, Chủ nhiệm HTX, trăn trở: “3 năm qua, đầu ra cây ớt chưa gặp khó khăn bởi thu hoạch bao nhiêu thương lái mua đến đó ngay tại ruộng rồi chuyển ra một số cơ sở sơ chế của tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và Tiền Giang. Tuy nhiên, vẫn chưa yên tâm bởi hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy, cơ sở chế biến thu mua ớt nên đầu ra cho sản phẩm này rất phập phù. Trong khi, số diện tích trồng ớt thì không ngừng tăng, dự kiến mùa vụ năm 2011, xã sẽ phát triển gấp đôi diện tích trồng ớt như hiện tại”.

Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung, từ hiệu quả kinh tế trồng ớt ở xã Bình Dương, huyện sẽ lấy đó làm thí điểm, quy hoạch và nhân rộng ra các xã khác. Mặt khác, do chưa có cơ sở chế biến, lo lắng giá đầu ra chưa ổn định, huyện vẫn theo dõi chặt chẽ tránh để phát triển ồ ạt.



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường