Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn ý nghĩa này, người dân nhiều địa phương vẫn kêu "khát" vốn và phàn nàn về thủ tục rườm rà, làm khó hoặc không cần thiết cho người đi vay.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Sau 10 năm thực hiện Quyết định 67/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng NN-NT, dư nợ đã tăng khoảng 9 lần, đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 21,78%. Dù vậy, cho vay NN-NT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, mới chiếm 16,7% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần cho rằng, nguồn vốn cho vay NN-NT hiện chủ yếu vẫn là ngắn hạn (chiếm 60%), người dân khó đầu tư sản xuất lớn, sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đáng lưu ý, từ nguồn vốn này nếu không có chính sách hợp lý sẽ xảy ra tình trạng phân hóa giàu nghèo. Thực tế, gia đình có điều kiện kinh tế (có tài sản thế chấp, được tổ chức tín dụng tin tưởng) dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, còn người nghèo, khó khăn không có tài sản thế chấp thì hoàn toàn không có cơ hội. Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam là một địa chỉ tin cậy của nông dân khi vay vốn, có tổng dư nợ cho vay NN-NT chiếm tới 70% nhưng theo Tổng Giám đốc Phạm Thanh Tân thì nguồn vốn của ngân hàng vẫn hạn chế nếu so với nhu cầu vốn ngày càng tăng mạnh. Một vấn đề khác cũng được đông đảo người dân quan tâm đã được ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận khi thực hiện Quyết định 67 là một số chính sách chưa phát huy tốt hoặc đã lạc hậu, như xử lý rủi ro, nguồn vốn thiếu bền vững, mức vốn cho vay không có bảo đảm bằng tài sản của hộ nông dân…; chính sách cho vay chưa gắn kết chặt chẽ với chính sách của địa phương, bộ, ngành như vấn đề quy hoạch, tiêu thụ hàng nông sản, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm…
Nông dân tiếp cận nguồn vốn vẫn khó hơn DN
Để xóa bỏ những rào cản về vay vốn NN-NT, ngày 1-6-2010, Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT của Chính phủ đã được áp dụng để thay thế các cơ chế, chính sách trước đó. Nghị định quy định cơ chế bảo đảm tiền vay, TCTD được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định. Cụ thể, cho vay tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ NN-NT; đến 500 triệu đồng với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại. Điểm mới của chính sách này là nâng mức vay tín chấp cho nông dân lên gấp 5 lần, với mức tối đa 50 triệu đồng, không cần tài sản bảo đảm, hầu hết các khoản vay kinh tế hộ sẽ không phải đăng ký giao dịch bảo đảm với Nhà nước.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến băn khoăn xung quanh vấn đề "muôn thuở" khi đi vay vốn là nguồn cạn, chính sách phiền hà, tính khả thi của việc mở rộng hạn mức cho vay… Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng, nhiều điểm trong chính sách vẫn chưa rõ ràng như không quy định thế chấp tài sản nhưng vẫn buộc người dân nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với nhóm các HTX và chủ trang trại, dù được vay tối đa 500 triệu đồng, song tiêu chí như thế nào để xác định chủ trang trại đủ điều kiện cũng như cấp nào chứng nhận các điều kiện này thì vẫn chưa được hướng dẫn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị Ngân hàng Nhà nước từng bước tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách cho vay; tăng cường tín dụng cho nông dân vay trung và dài hạn; có giải pháp duy trì mức tăng trưởng kinh tế nông nghiệp 1% thì tín dụng tăng 6%. Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cam kết trong những năm tới sẽ duy trì mức tăng tín dụng NN-NT từ 24% đến 25%; khuyến khích ngân hàng có mức cho vay NN-NT 60% trở lên sẽ được hưởng ưu đãi; chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các địa phương tiến hành khảo sát ngay thực trạng tổng nhu cầu vốn vay trong NN-NT, trên cơ sở này chia thành từng giai đoạn, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn bền vững, hiệu quả.