Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kê khai giá sữa – bao giờ?
16 | 08 | 2010
Trong đợt tăng giá sữa vừa rồi, chỉ có duy nhất hãng sữa Namyang (Hàn Quốc) tự nguyện nộp hồ sơ xin phép Bộ Tài Chính tăng giá sữa. Còn lại các hãng sữa khác cứ “vô tư” tăng giá. Vậy vì sao Bộ Tài Chính lại không ra tay?

Đại diện hãng sữa NamYang, Hàn Quốc cho hay, NamYang đã cố gắng không điều chỉnh giá các sản phẩm của mình từ 2009 đến nay, mặc dù so với tháng 2-2009, tỷ giá USD/đồng VN đã tăng 9,3%. Trong vòng một năm rưỡi qua, có hãng sữa đã điều chỉnh giá tới 3 lần, nhưng NamYang đến cuối quí 2-2010 mới quyết định điều chỉnh giá sữa XO thêm 2,5%. NamYang cũng đã tiên phong trong việc kê khai giá sữa với Bộ Tài chính và Bộ Tài chính đã chấp thuận cho điều chỉnh.


Trong vòng 2 năm qua, vấn đề giá sữa liên tục tăng giá, các cơ quan chức năng đã có các cuộc thanh kiểm tra song vẫn chưa có được một chế tài “sắc bén” để dẹp loạn tăng giá sữa. Cơ quan quản lý cho biết, sẽ yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kê khai giá sữa và giải trình các lý do nếu có quyết định điều chỉnh giá. Và mấu chốt là việc sửa đổi thông tư quản lí giá sữa sẽ ban hành vào tháng 7-2010, nhưng đã hết tháng 7 thông tư này vẫn chưa thể ban hành.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lí giá – Bộ Tài chính cho rằng: Hiện nay, các DN vì không phải kê khai đăng ký giá bán và không phải đưa ra cơ cấu giá sữa nên họ cứ tăng giá thoải mái, không cần báo cáo với cơ quan quản lý, cơ quan quản lý cũng khó can thiệp được.

Để quản lí được giá sữa chỉ có cách bắt buộc DN kinh doanh sữa phải đưa ra các yếu tố cấu thành giá sữa bán đến tay người tiêu dùng. Sau khi xác định được cơ cấu giá sữa, DN phải chứng minh được mức chi phí cho từng yếu tố đó (như chi phí tiếp thị, quảng cáo, chi phí bán hàng, quản lý, nhân công, ...).

Các DN sẽ phải thuyết minh về cơ cấu giá khi đăng ký giá và sẽ phải bán theo mức giá đã đăng ký, đồng thời phải niêm yết giá. Nếu sau đó lại tăng giá thì DN đó phải đăng ký lại giá bán, phải có báo cáo và giải trình về mức tăng đó, cơ quan quản lý giá sẽ kiểm soát xem mức tăng đó có hợp lý hay không. Đây cũng chính là cách mà cơ quản lý cùng nhà phân phối quản lý giá bán đến tận tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng sẽ có những thông tin chính thống về giá sản phẩm.

Về quy định DN không được tăng giá sữa tối đa 20%/lần, 2 lần tăng liên tiếp tối thiểu phải cách nhau 15 ngày đang là lổ hổng. Vì thế, sắp tới không tính bằng tỷ lệ % cho mức tăng từng lần nữa mà bắt buộc các DN đều phải đăng ký giá, kê khai giá. Khi tăng giá thì phải đăng ký lại cho lần tăng giá và phải thuyết minh lý do tăng. Mức tăng của giá bán sẽ tỷ lệ thuận với mức tăng của các yếu tố đầu vào. Như thế DN sẽ không thể “lách luật” để tăng giá liên tục như hiện nay.

Đây sẽ là cách quản lí giá sữa hiệu quả. Tuy nhiên, đến bao giờ thông tư sửa đổi này mới được ban hành để bắt buộc các DN phải kê khai giá sữa thì vẫn phải chờ đợi.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường