Ông Nguyễn Bá Minh, chuyên gia phân tích nhóm hàng nông sản của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã đưa ra dự báo về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh trên.
TBKTSG Online: Nhiều tổ chức trên thế giới quan ngại rằng trong năm nay sẽ xảy ra khủng hoảng giá lương thực như năm 2008. Theo ông, điều này có cơ sở hay không?
- Ông Nguyễn Bá Minh: Năm nay, giá lúa mì thế giới tăng đến mức kỷ lục, kéo theo các loại nông sản khác như bắp, đậu nành cũng tăng giá. Nga đã ban bố lệnh tạm ngừng xuất khẩu lúa mì. Ukraine cũng giảm lượng xuất khẩu. Trung Quốc thì tăng tích trữ lương thực.
Mặt khác, với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều nguy cơ những tháng cuối năm diễn biến thời tiết có thể sẽ còn nhiều bất lợi cho các quốc gia sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, lo ngại về khủng hoảng lương thực thế giới năm nay là chưa đủ cơ sở. Dù thời tiết làm giảm sản lượng lương thực ở nhiều quốc gia nhưng tại các quốc gia hàng đầu về xuất khẩu lương thực như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… nguồn cung lương thực vẫn đảm bảo, đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Xuất khẩu lúa mì của Mỹ đã lên tới 1 triệu tấn chỉ hai tuần sau khi Nga tuyên bố tạm ngưng xuất khẩu lúa mì. Xuất khẩu bắp và đậu nành của nước này cũng tăng khi mà nhu cầu tại Trung Quốc đang lên cao. Tại Ấn Độ lượng dự trữ nông sản vẫn rất lớn, thậm chí nước này còn cho biết có thể sẽ thiếu kho để chứa lúa mì. Sản lượng lương thực của Ấn Độ niên vụ này đạt kỉ lục, 80,71 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái là 80,68 triệu tấn. Tổng sản lượng lúa của Trung Quốc trong năm 2010 dự báo đạt 197,3 triệu tấn cùng với khối lượng dự trữ khổng lồ (41 triệu tấn), chiếm gần 10% tổng sản lượng gạo thế giới cho thấy Trung Quốc rất an toàn về an ninh lương thực.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 2010-2011 sẽ giảm 1,7%, xuống còn 650 triệu tấn. Dù giảm nhưng sản lượng lúa mì năm nay sẽ vẫn đứng thứ ba trong lịch sử sau hai năm sản xuất bùng nổ. Tại các thị trường giao dịch quốc tế, với những tín hiệu tốt vừa qua, giá lúa mì và đậu nành đang đảo chiều giảm giá và có xu hướng bình ổn. Nên theo tôi, khủng hoảng giá lương thực rất khó có khả năng xảy ra.
Việt Nam đang nhập khẩu lượng lớn lúa mì và nhiều loại ngũ cốc như bắp, đậu nành… thì việc tăng giá các mặt hàng trên thị trường thế giới sẽ tác động đến giá các nông sản trong nước như thế nào, đặc biệt là lúa gạo?
- Trước biến động giá lương thực trên thế giới, với mức giá cao như hiện nay, có nhiều khả năng từ tháng 8 trở đi nhập khẩu ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm.
Theo tôi, trong nước ít chịu tác động bởi ngoài lúa mì còn có các nguyên liệu thay thế khác như bắp, đậu nành,… Trong nước, 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh lây lan trên gia súc, gia cầm, thủy sản, làm cho cầu về thức ăn chăn nuôi không cao.
Riêng với mặt hàng gạo, sản lượng lúa của Việt Nam trong năm 2010 dự đoán vẫn đạt mức 39 triệu tấn, mục tiêu xuất khẩu gạo ở mức 6 đến 6,5 triệu tấn. Do diễn biến của thị trường quốc tế, giá gạo có xu hướng tăng nhẹ.
Về thị trường lúa gạo, hiện nay thị trường gạo chỉ đang “sốt” ảo do ảnh hưởng từ giá lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Khi giá lương thực thế giới giảm xuống, giá gạo cũng sẽ ở mức cân bằng. Từ nay đến cuối năm, giá gạo có thể tăng nhẹ nhưng khó có thể có đột biến.
Nguyên nhân chính là cung-cầu lúa gạo trên thế giới hiện vẫn đang cân bằng. Một số nước xuất khẩu gạo chính vẫn đang duy trì mức dự trữ gạo cao. Nền kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, nên cầu về lúa gạo ở một số quốc gia có thể tăng nhưng không có nhiều đột biến. Do đó, nhìn chung giá gạo sẽ không bị đẩy lên cao.
Với tình hình giá lương thực dự báo sẽ tiếp tục tăng, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ như thế nào, thưa ông?
- Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chắc chắn sẽ được cải thiện khi tình hình giá lương thực được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo, mang lại hiệu quả kinh tế cho các nhà xuất khẩu lương thực và thúc đẩy các nước tăng sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực.
Ở nước ta, hiện nay đầu tư cho nông nghiệp vẫn đang duy trì ở mức 7% GDP. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt đến mức 10 tỉ đô la Mỹ, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2009 là 15 tỉ đô la). Đầu tư vào nông nghiệp vẫn được khuyến khích về mặt định hướng, chính sách nhưng trong thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều rủi ro, lợi nhuận mang về cho nông dân và nhà đầu tư chưa cao do phụ thuộc vào yếu tố như thời tiết, biến đổi khí hậu, chi phối bởi giá thị trường thế giới...
Theo tôi, đầu tư của tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng lên khi nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội từ việc giá nông sản tăng, nhưng về mức độ thì phải theo dõi trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!