Việc giảm giá được lý giải là do DN đã cải tiến hoạt động phân phối và tuân thủ quy định về quảng cáo, tiếp thị. Giá sữa tăng, giảm bất thường, các đại lý bán sữa lại mập mờ trong khâu niêm yết giá, nên người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt khi mua sữa.
Giá sữa tăng, người tiêu dùng chịu thiệt
Bên cạnh những bất cập xung quanh chuyện giá xăng, việc quản lý giá sữa bột cũng là vấn đề nóng, được dư luận quan tâm trong những ngày qua. Từ đầu năm đến nay, các DN kinh doanh sữa bột đã thực hiện 2 đợt điều chỉnh tăng, với mức tăng 6-18%. Trong đợt tăng giá hồi tháng 1, tháng 2, các hãng sữa ngoại như Abbott, Friso... đã đồng loạt tăng giá bán 7-10%. Cụ thể, sữa bột Friso các loại có mức tăng hơn 20.000 đồng/hộp loại 900g (Friso Gold số 1 tăng lên 357.300 đồng/hộp, Friso Gold số 2 lên 382.600 đồng/hộp). Sữa Abbott số 1 và 2 tăng từ 355.000 đồng, lên 360.000 đồng/hộp. Sữa bột Meizi số 1, loại 900g tăng lên 362.000 đồng/hộp, số 2 lên 344.300 đồng/hộp. Sữa bột Milex của Đan Mạch loại 900g cũng tăng lên 356.000 đồng/hộp... Vinamilk - một hãng sữa nội với thị phần lớn cũng đã 2 lần điều chỉnh giá bán. Ngày 1-12-2009, Vinamilk đã tăng giá bán các loại sữa bột thêm khoảng 6%. Ngày 12-2-2010, DN lại tiếp tục tăng giá các loại sữa bột, sữa tươi, sữa đặc. Cụ thể, giá sữa bột Dielac Alpha (loại 900g) có giá mới 147.400 - 150.500 đồng/hộp (tùy loại). Theo lý giải của DN, giá sữa ngoại tăng cao là do đồng USD tăng giá so với VND, do đó giá sữa nguyên lon nhập về khi quy đổi ra VND tăng. Đại diện Vinamilk cho biết, giá sữa nguyên liệu nhập về để đóng gói trong nước đã tăng thêm khoảng 50% so với giá tháng 9-2009; giá đường để sản xuất tăng 100% khiến công ty phải tăng giá mới đủ bù đắp chi phí.
|
Người tiêu dùng chịu thiệt khi sữa bột tăng giá. Ảnh: Phương An |
Trong khi nhiều hãng sữa đồng loạt tăng giá, thì Công ty Nestle Việt Nam lại giảm giá các mặt hàng sữa 4-5%. Giám đốc đối ngoại của hãng này cho biết, yếu tố khiến hãng giữ được mức giá thấp là do tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính về chi phí quảng cáo và tiếp thị đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
Trong khi giá sữa tăng, giảm cùng lúc khiến người tiêu dùng nghi ngờ về tính minh bạch của việc này thì những người kinh doanh sữa trên thị trường lại không tuân thủ quy định niêm yết giá bán. Khảo sát các cửa hàng kinh doanh sữa trên phố Hàng Buồm cho thấy, việc niêm yết giá chỉ được thực hiện lấy lệ và đối phó khi có đoàn kiểm tra...
Nhiều kẽ hở giúp DN "lách luật", tăng giá
Trước những phản ánh liên tiếp của dư luận xã hội về giá sữa, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, quy định hiện hành về quản lý giá sữa còn nhiều kẽ hở giúp DN "lách" luật, tăng giá. Điển hình, tại Thông tư 104/TT-BTC của Bộ Tài chính về quản lý giá sữa có quy định: Trong vòng 15 ngày, nếu DN tăng giá sữa 20% trở lên, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Quy định tưởng rõ ràng nhưng lại tạo kẽ hở cho DN, bởi nếu DN chỉ điều chỉnh giá mỗi lần 5-10% thì đương nhiên sẽ nằm ngoài vòng kiểm soát. Thêm vào đó, theo quy định, các DN chỉ cần đăng ký giá với các loại sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và chỉ các DN có 50% vốn sở hữu nhà nước mới phải đăng ký giá... cũng là những kẽ hở pháp lý cần sớm được sửa đổi. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, hiện việc sửa đổi Thông tư 104 về quản lý giá thị trường đã cơ bản hoàn thành và cố gắng ban hành trong tháng 3-2010. Sau khi hoàn tất việc sửa đổi thông tư này, nhiều sản phẩm sữa sẽ giảm giá. Cục Quản lý giá cho biết thêm, việc quản lý giá mặt hàng sữa trên thị trường hiện do Bộ Công thương giám sát. Vì vậy, bộ phận quản lý thị trường của Bộ này có trách nhiệm kiểm tra việc niêm yết giá và kiểm tra việc bán hàng theo đúng giá niêm yết.
Trong khi chờ Thông tư 104 được sửa đổi, ngày 10-3, Bộ Tài chính đã thông báo các giải pháp kiềm chế tăng giá, trong đó nhấn mạnh việc quản lý giá sữa. Theo đó, Bộ sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, TP chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức các đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và giá đối với DN, tổ chức sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá tại địa phương như sữa, đường, xi măng, sắt, thép, khí hóa lỏng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh cho người, cước vận tải bằng ô tô và hàng hóa dịch vụ thiết yếu. Bộ khẳng định sẽ kiên quyết áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như tước giấy phép kinh doanh; tịch thu hàng hóa và số tiền thu lợi nhờ hành vi đầu cơ, tăng giá quá mức; buộc thực hiện niêm yết giá đúng quy định và trả lại khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết... Với những biện pháp quyết liệt mà cơ quan quản lý giá đưa ra, hy vọng thời gian tới giá sữa sẽ ổn định và minh bạch hơn để người tiêu dùng đỡ thiệt thòi.