Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vĩnh Long: Bốn nhà liên kết mới nên thương hiệu
08 | 10 | 2010
Có nhãn hiệu hàng hóa, bước đầu cam sành, bưởi Năm Roi tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước làm nên thương hiệu riêng của mình. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá trái cây Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ, đồng thuận từ nhiều phía...

Tỉnh Vĩnh Long có trên 40.000ha cây ăn trái, sản lượng hàng năm trên 400.000 tấn. Vĩnh Long đang quy hoạch vùng chuyên canh các loại trái cây gồm: bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, chôm chôm…, đồng thời xúc tiến xây dựng thương hiệu để tăng giá trị cho trái cây. Đến nay, Cục Sở Hữu trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho 3 đơn vị, với 2 loại trái cây đặc sản của Vĩnh Long gồm: cam sành Tam Bình, bưởi Năm Roi Hoàng Gia và bưởi Năm Roi Mỹ Hòa.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long nói: “Để trái cây Vĩnh Long vươn xa, trước tiên trái cây phải đứng vững trên sân nhà, cạnh tranh được với trái cây ngoại nhập. Được vậy, phải sản xuất quy mô lớn, theo tiêu chuẩn GlobalGap (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) để có sản phẩm chất lượng cao, số lượng nhiều nhằm hạ giá thành. Điều này cần sự liên kết, đồng thuận của 4 nhà trong việc trồng, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại… Trong đó, nhà nước, nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch vùng chuyên canh, hướng dẫn kỹ thuật cho nhà nông trồng loại trái nào, bảo quản trái cây ra sao nhằm tăng tỷ lệ trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, kinh phí trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu...”

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp xây dựng những khu vườn mẫu, vùng trồng trái cây theo chuẩn GlobalGap để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho trái cây đặc sản cho xuất khẩu. Nhờ vậy, việc xây dựng thương hiệu đạt kết quả khả quan.

Năm 2002, bưởi Năm roi Hoàng Gia của Doanh nghiệp Chế biến rau quả xuất khẩu Hoàng Gia (thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh) được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu và đăng ký thương hiệu bưởi Năm Roi Hoàng Gia ở các nước Âu, Mỹ theo quy định quốc tế. Có thương hiệu, bưởi Năm Roi Hoàng Gia tiêu thụ mạnh trong nước, xuất khẩu sang Mỹ và nhiều nước châu Âu. Để mở rộng thị trường, tăng sản lượng bưởi xuất khẩu, doanh nghiệp Hoàng Gia xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn GlobalGap, với diện tích 30ha. Hiện mỗi tháng, doanh nghiệp Hoàng Gia xuất khẩu gần 100 tấn bưởi Năm Roi mang thương hiệu của mình.

Hợp tác xã (HTX) bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh) được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa đầu năm 2009. Cũng trong thời gian này, HTX xây dựng vùng nguyên liệu theo GlobalGap và là HTX đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn này. Sau đó, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa xuất khẩu sang một số nước châu Âu. Tuy nhiên, từ tháng 9- 2009 đến nay, vùng chuyên canh bưởi theo tiêu chuẩn GlobalGap của HTX không được tái công nhận đạt chuẩn trên do HTX không có kinh phí khoảng 8.000 USD mời các chuyên gia tổ chức thẩm định để tái công nhận. Vì vậy, việc xuất khẩu bưởi Năm Roi của HTX không còn mà chỉ tiêu thụ nội địa.

Tương tự, cam sành Tam Bình cũng được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa năm 2003. UBND huyện Tam Bình thành lập HTX Mỹ Thành Trung để việc trồng, tiêu thụ trái cây và xây dựng thương hiệu cam sành Tam Bình thuận lợi. Tuy nhiên, từ khi được cấp chứng nhận đến nay, cam sành Tam Bình chưa xuất khẩu được trái nào, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Do vậy, cam sành Tam Bình dần mất chỗ đứng trên thị trường. Ông Trần Văn Khái, từng là xã viên HTX Mỹ Thành Trung, cho biết: “Lúc mới thành lập, HTX cũng tổ chức vùng nguyên liệu, mua bán cam sành cho các chợ đầu mối tiêu thụ trong cả nước. Đến năm 2006, cam sành Tam Bình bị bệnh vàng lá thối rễ chết hàng loạt, vùng nguyên liệu không còn, HTX giải thể, cam sành Tam Bình dần bị quên lãng”.

Theo các chuyên gia xây dựng thương hiệu, Bưởi Năm Roi, cam sành Vĩnh Long được cấp chứng nhận nhãn hiệu là bước khởi đầu thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu. Từ đây, nếu sản xuất trái cây chất lượng tốt, sản phẩm nhiều, tiêu thụ mạnh trong và ngoài nước sẽ làm nên thương hiệu. Ngược lại, dù có chứng nhận nhãn hiệu nhưng sản phẩm không tiêu thụ được, nhãn hiệu sẽ dần mai một và mất luôn chứ không thể làm nên thương hiệu.

Muốn có sản phẩm tốt, chất lượng đồng đều việc trồng bưởi phải theo tiêu chuẩn quốc tế. Để trồng theo tiêu chuẩn này cần có hợp tác, liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà nước, nhà khoa học. Tuy nhiên, thời gian qua, việc liên kết này còn lỏng lẻo, vai trò của nhà nước và nhà khoa học mờ nhạt, nông dân và doanh nghiệp “tự bơi”. Có được thương hiệu rồi, việc giữ được thương hiệu càng khó khăn hơn, cần sự tiếp sức của nhà nước.

Do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên sản lượng, chất lượng sản phẩm thấp, chưa đồng đều, sản lượng trái cây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ít, không đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu. Một số nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap, phải đầu tư nhiều tiền, công sức nhưng giá bán sản phẩm vẫn như giá các sản phẩm khác nên xin rút. Toàn huyện Bình Minh có trên 1.000 ha bưởi Năm Roi nhưng có chưa đến 50ha bưởi trồng theo chuẩn GlobalGap. Ngoài ra, một số thương lái, HTX mua sản phẩm bên ngoài vùng nguyên liệu theo chuẩn GlobalGap đưa vào xuất khẩu dần làm mất uy tín, thương hiệu ban đầu.

Bà Lưu Nguyễn Trà Giang, Giám đốc Doanh nghiệp Sản xuất, Chế biến trái cây xuất khẩu Hoàng Gia (đơn vị sở hữu thương hiệu bưởi Năm Roi Hoàng Gia) cho biết: “Làm thương hiệu nông sản nói chung, thương hiệu cho trái cây nói riêng gặp rủi ro cao hơn các sản phẩm khác vì phụ thuộc vào thời tiết. Muốn có sản phẩm chất lượng xuất khẩu, doanh nghiệp, nông dân phải đầu tư từ giống, chăm sóc, bảo quản, xúc tiến thương mại... Đến khi gần thu hoạch chỉ cần gặp thời tiết bất lợi như mưa, bão hàng hóa mất hết hoặc dịch bệnh ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng sản phẩm, nông dân doanh nghiệp lãnh đủ. Đó chưa kể khi có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có thương hiệu rồi đầu ra vẫn bấp bênh vì thị trường đã thay đổi…”

Ông Trần Văn Sang, chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, kiến nghị: “Nhà nước cần tạo điều kiện để HTX dễ tiếp cận với vốn tín chấp, vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh trái cây. Vì vốn HTX ít, tài sản không nhiều nên thế chấp vay vốn không được bao nhiêu.

Liên kết 4 nhà là điều kiện cần và đủ để hương hiệu trái cây Vĩnh Long tồn tại và phát triển bền vững.

Chú thích ảnh: Bưởi Năm Roi Vĩnh Long có thương hiệu đã xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ.

Cam sành Tam Bình đang khôi phục lại vùng nguyên liệu theo chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu để xuất khẩu.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường