Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo Việt Nam chiếm tới 59,9% thị phần ở Đông Nam Á
08 | 10 | 2010
Từ năm 2005, xuất khẩu thóc gạo của Việt Nam sang thị trường ASEAN đã vượt qua Thái Lan. Hiện Việt Nam chiếm tới 59,9% thị phần ở Đông Nam Á, so với 39,6% thị phần khu vực của Thái Lan.

Một báo cáo nghiên cứu đưa ra tại Bangkok ngày 6/10 nhận định gạo Thái Lan tiếp tục mất dần khả năng cạnh tranh và thị phần tại thị trường ASEAN và các nơi khác, trước sự vươn lên của gạo Việt Nam trong 10 năm tới, do Việt Nam có chính sách tăng sản lượng và tiếp thị rõ ràng.

Theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế (CITS) thuộc trường Đại học Thai Chamber of Commerce (Thái Lan), xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 25% và đạt trung bình 7,5 triệu tấn/năm trong thời gian tới.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm khoảng 14% so với năm 2010, xuống còn khoảng 8,6 triệu tấn/năm trong những vụ tới.

Xuất khẩu thóc gạo của Việt Nam tăng chủ yếu là nhờ giá rẻ và chất lượng được cải thiện, yếu tố giúp Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo sau Thái Lan.

Một số nguồn tin tại Bangkok dẫn thông tin của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) dự đoán xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ đạt 10 triệu tấn năm nay, so với con số 6-7 triệu tấn gạo Việt Nam bán ra thị trường nước ngoài.

Từ năm 2005, xuất khẩu thóc gạo của Việt Nam sang thị trường ASEAN đã vượt qua Thái Lan. Hiện Việt Nam chiếm tới 59,9% thị phần ở Đông Nam Á, so với 39,6% thị phần khu vực của Thái Lan.

Giám đốc Aat Pisanwanich của CITS nói xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể trong lúc thị phần của Thái Lan, nước lâu nay luôn tự hào là nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới, sẽ sụt giảm dần trên các thị trường, kể cả ở Hongkong và Australia. Đó là do Thái Lan thiếu kế hoạch phát triển dài hạn về tăng sản lượng thóc gạo và chương trình tiếp thị.

Để đảm bảo năng lực cạnh tranh khi Việt Nam đề ra 10 chiến lược phát triển lúa gạo, chính phủ và các công ty tư nhân Thái Lan cần hợp tác trong hoạt động sản xuất và tiếp thị, cơ cấu lại tổ chức để nâng cao sự hiểu biết của mọi người về Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN.

Ngoài ra, Thái Lan cần phát huy năng lực của nhóm chuyên trách - bao gồm các đại diện của cơ quan chính phủ và nhà xuất khẩu - để thúc đẩy hoạt động bán thóc gạo.



Theo TTXVN/Vietnam+
Báo cáo phân tích thị trường