Đến lúc thiếu, doanh nghiệp mới thương người nuôi
Hiện nay, giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đã cao nhất trong vòng 10 năm qua, gấp đôi năm 2009. Vùng tôm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… thương lái mua tận ao, loại 20 con/kg giá 210.000đồng/kg, loại 30 con/kg giá 170.000đồng/kg, loại 40 con/kg giá 120.000đồng/kg.
Ông Hồ Dòn, Phó Tổng giám đốc Cty Chế biến Thủy sản - Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), cho biết: “Khác với những năm trước, tôm nguyên liệu khan hiếm hơn một tháng nay. Chúng tôi phải đi Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh và các tỉnh miền Trung để mua tôm, nhằm duy trì sản suất chế biến. Hiện nay, Camimex chỉ duy trì được 60% so với công xuất thiết kế 9.000 tấn/năm”.
Diện tích nuôi tôm Cà Mau đứng đầu cả nước, với khoảng 230.000 ha nhưng chỉ có hơn 1.000 ha nuôi tôm công nghiệp tập trung ở huyện Đầm Dơi. Nguồn tôm ở Cà Mau phụ thuộc rất lớn vào diện tích nuôi tôm quảng canh, tôm - lúa. Sau thời gian dài tôm chết rải rác, bà con nuôi tôm đang cải tạo vuông, gieo sạ lúa nên sản lượng tôm giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Chín ở xã Hưng Hiệp (Cái Nước, Cà Mau) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, bà con nuôi tôm không trúng mùa, chỉ huề vốn hoặc lỗ”.
Ông Võ Hồng Ngoãn, chủ trang trại nuôi tôm ở Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, diện tích nuôi tôm 30 ha đã thu hoạch xong, sản lượng trên 30 tấn.
Ông Võ Hồng Ngoãn giải thích: “Mấy năm trước, bà con nuôi tôm công nghiệp vừa bán vừa khóc vì tôm rớt giá. Hiện nay, nhiều người nuôi tôm chuyển sang nuôi loài thủy sản khác hoặc treo ao nên thiếu tôm nguyên liệu. Đến lúc thiếu tôm, các doanh nghiệp chế biến mới biết thương người nuôi tôm”.
Quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhà máy
Ông Võ Hồng Ngoãn đặt câu hỏi: “Tại sao các doanh nghiệp không liên kết bao tiêu sản lượng tôm để bà con yên tâm nuôi? Người nuôi tôm mừng trúng mùa tôm lo rớt giá nên mới nuôi tôm theo phong trào”.
Ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cũng nói: “Vùng nuôi tôm công nghiệp của Bạc Liêu 15.000 ha sẽ được quy hoạch, quản lý, phát triển bền vững. Bạc Liêu sẽ không phát triển thêm nhà máy mà nâng cao công nghệ, tìm cách gắn lợi ích của doanh nghiệp chế biến với người nuôi tôm”.
Tại tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Thông Nhận, Phó GĐ Sở NN&PTNT Cà Mau, phân tích: “Chỉ tính trên địa bàn Cà Mau, 39 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu cần đến 200.000 tấn/năm nhưng sản lượng tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 60%. Không quy hoạch nhà máy chế biến tôm suất khẩu với phát triển vùng nuôi tôm nên xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu. Trung bình, các nhà máy chế biến tôm hoạt động khoảng 70% công suất, tại thời điểm này chỉ hoạt động 50-60%”.
Ở tỉnh Sóc Trăng có 27.000 ha nuôi tôm công nghiệp, nay chỉ còn 1.500 ha đang thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó GĐ Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: “Quy hoạch các nhà máy chế biến với vùng nuôi tôm đang bị thả lỏng, mạnh ai nấy làm nên dẫn đến thiếu nguyên liệu. Chúng tôi đang kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có chiến lược, quy hoạch nhà máy chế biến thủy sản với vùng nguyên liệu”.