Lo ngại hơn, khâu kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản... lại khá lỏng lẻo. Trong khi đó, do hám lời, không ít tiểu thương đã nhập nhằng giữa các loại sản phẩm hàng nội – ngoại hoặc đánh tráo xuất xứ đối với người tiêu dùng để nâng giá, tiêu thụ nhanh.
|
Rau quả Trung Quốc áp đảo rau quả trong nước sản xuất cả về mẫu mã lẫn chủng loại. Ảnh D.H |
Hoa mắt rau quả ngoại nhập
Có mặt tại chợ Long Biên – chợ đầu mối rau củ quả lớn nhất Hà Nội từ 3h sáng, không khí mua bán đã rất sôi động với hàng chục xe tải chở rau, củ đóng thùng, bọc xốp in chữ TQ vàng chóe ùn ùn đổ về nhập hàng. Cơ man nào là các loại rau xanh như bắp cải, khoai tây, su hào, su su... cho đến hàng chục loại trái cây khác nhau còn tươi rói. Một chủ hàng tại đây khoát tay khẳng định: “Tất tật rau quả tại đây đều nhập về từ cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai. Làm gì có rau nội mà tìm! Kể cả có rau nội thì giá buôn không thể rẻ bằng hàng TQ được”. Không chỉ các loại rau củ phổ biến, kể cả các loại gia vị thiết yếu như chanh, tỏi, ớt, sả... nhìn tươi tắn và bắt mắt cũng đều được nhập về từ các xe tải chở hàng trực tiếp từ cửa khẩu về, khó lòng phân biệt được đâu là rau nội, đâu là rau ngoại. Giá các mặt hàng này bán mềm hơn giá bán lẻ tại các chợ khoảng 5 – 10% và theo nhiều tiểu thương, hàng bán đến 6h là hết sạch. Mối buôn không chỉ nhập cho nội thành Hà Nội, mà còn tỏa về các tỉnh lân cận từ sớm để kịp chuyển hàng về các chợ lẻ.
Tại TPHCM, khảo sát chợ đầu mối Thủ Đức mới thấy càng về khuya, các loại trái cây đông lạnh ngoại nhập đưa về chợ càng nhiều. Đủ loại thùng giấy in chất từng đống cao chờ giao cho mối lái hoặc đưa vào kho lạnh bảo quản. Ngay như trái hồng - vốn đặc sản Đà Lạt - thì nay hồng tươi lẫn hồng giòn TQ áp đảo hồng Đà Lạt. Tại khu hàng rau củ, các loại cải đỏ, khoai tây, hành, tỏi TQ đóng trong thùng hoặc bao to chất đầy sạp hàng, ngoài ghi rõ “made in China (xuất xứ từ Trung Quốc”. Giá rau củ tại đây đều bán rẻ hơn sản phẩm trồng nhập từ các tỉnh lân cận. Một tiểu thương cho biết, chính sự chênh giá giữa hàng nội và hàng ngoại khá lớn nên nhiều tiểu thương đã cố ý trộn lẫn hàng TQ và hàng Đà Lạt sau khi đưa hàng về chợ rồi sau đó đều nhập hàng với lời mời chào “hàng trong nước”.
|
Rau quả Trung Quốc trà trộn với rau quả trong nước để dễ tiêu thụ. Ảnh: P.V |
Rau quả TQ áp đảo!
Bà Nguyễn Thanh Hà - PGĐ Cty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức - cho biết: “Hiện tổng lượng rau củ quả về chợ khoảng 3.200 – 3.500 tấn/đêm. Trong đó trái cây chiếm 60%, dao động từ 1.650 – 1.700 tấn/đêm. Trong số trái cây ngoại nhập về chợ, hàng xuất xứ TQ chiếm khoảng 70%. Đối với rau củ thì khoảng 15% là hàng TQ, với khoảng hơn 210 tấn/ngày nhập về chợ, chủ yếu là củ quả ưa lạnh”. Với con số khoảng 400 tấn trái cây và 210 tấn rau củ/ngày xuất xứ TQ, hiện hầu hết tiểu thương đều chọn chợ đầu mối Thủ Đức nhập hàng về nội thành và các tỉnh lân cận. Lý do lớn nhất là nông sản TQ có giá bán ngang, thậm chí rẻ hơn sản phẩm trồng từ các tỉnh đưa về, nhưng hình dáng lại trông bắt mắt, hàng đẹp như to trái hơn, mướt hơn, màu đậm hơn...
Chị Lan – tiểu thương tại chợ Bến Thành - vừa bán hàng, vừa cho hay: “Gần đây, nhiều khách hàng thắc mắc liệu có chất làm ngọt hoặc chất bảo quản trong trái cây TQ hay không mà giá quá rẻ so với hàng Mỹ, Úc, vị ngọt khác thường. Điều này thì chúng tôi làm sao biết được, tôi thấy giá rẻ, tươi, dễ thì cứ thế mua về bán thôi”. Trong khi đó, chủ một vựa trái cây khác cho biết: “Hàng bán ở đây đều nói rất rõ với các thương lái đâu là hàng TQ, đâu là hàng nước khác. Tuy nhiên, khi lấy hàng về, qua các khâu từ các mối lái đến các tiểu thương ở chợ, không ít người đã gắn thêm mác hoặc giới thiệu với người mua hàng Mỹ, Úc hoặc tệ nhất là hàng Thái, không biết đâu mà lần, để vừa dễ bán vừa nâng được giá”. Rau quả xuất xứ TQ tràn ngập thị trường trong nước, khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn về chất lượng. Về điều này, Cục BVTV (Bộ NNPTNT) khuyến cáo, để hạn chế ăn các rau quả từ TQ, nên ăn rau chính vụ, hạn chế tối đa rau trái vụ, phân biệt bằng mắt thường các loại rau nội – ngoại (thường thì rau quả trong nước có kích thước bé hơn rau TQ, trái cây trong nước có vẻ bề ngoài “sần sùi” hơn trái cây ngoại).