Giá cao cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ mủ cao su.
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký VRA, giá cao su phổ biến xung quanh mức 90 triệu đồng/tấn, một số cao su loại tốt có giá từ 93 triệu đồng trở lên. Giá FOB mủ xuất khẩu loại SVR 3L cũng ở mức 4.200 đô la Mỹ/tấn.
Giá tăng liên tục từ khoảng đầu tháng 9 đã làm VRA nhiều lần điều chỉnh dự báo kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010, từ 1,5 tỉ đô la Mỹ hồi tháng 8 lên mức kỷ lục 2,2 tỉ đô la Mỹ, tức cao hơn 23% so với kim ngạch năm 2008 và hơn 45% so với năm 2009 sau khi kim ngạch cả nước vượt 1,8 tỉ đô la Mỹ trong 11 tháng đầu năm.
Theo bà Hoa, giá cao su đến quý 1-2011 dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao do nguồn cung thế giới lẫn trong nước tiếp tục thiếu hụt trong khi ngành sản xuất săm lốp ô tô, nệm… trong nước đang phát triển ngày càng đòi hỏi nhiều cao su nguyên liệu.
Giá cao su trong nước tăng mạnh theo giá thế giới kết hợp với sản lượng trong nước bị giảm so với dự tính ban đầu, đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ mủ cao su, tiêu thụ khoảng 15% sản lượng mủ cả nước gặp nhiều khó khăn.
“Do các công ty nắm lượng mủ cao su lớn đã ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn nên họ phải giữ tiến độ xuất khẩu để giữ uy tín với khách hàng. Điều này kết hợp với thời tiết không thuận lợi làm giảm sản lượng trong nước đã khiến các doanh nghiệp sản xuất đã quen mua bán ngắn hạn gặp nhiều khó khăn", bà Hoa nói.
Ước tính, sản lượng trong nước đã giảm gần 30.000 tấn so với 780.000 tấn theo tính toán ban đầu.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo ngày 15-12 ghi nhận giá giao dịch kỷ lục 396 yen/kg, tương đương 4.712 đô la Mỹ/tấn. Giới phân tích thế giới cho rằng do tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiều cao su nhất thế giới tháng 11 tăng 13% so với năm trước, kết hợp với nguồn cung toàn cầu thiếu hụt, đã đẩy giá cao su liên tục đứng ở mức cao.