Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội cây điều VN (Vinacas) cho biết, kim ngạch XK điều năm 2010 đạt 196.000 tấn, tương đương 1,14 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và 34,8% về giá trị so với năm trước. Đây là năm đầu tiên XK hạt điều đạt mốc 1 tỷ USD, đồng thời khẳng định vị trí dẫn đầu thế giới 4 năm liên tiếp. Hạt điều của VN đang có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những thị trường tiêu thụ số lượng hạt điều lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc...
Năm 2010, mặt hàng hồ tiêu VN đã giành vị trí thứ nhất trên thị trường XK tiêu thế giới. Chia sẻ niềm vui này, ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, năm 2010, sản lượng hồ tiêu XK đạt 110.000 tấn, kim ngạch 390 triệu USD, tăng 17% giá trị. Hồ tiêu đang chiếm 50% sản lượng XK, 30% về sản lượng sản xuất thế giới. Thị trường nhập khẩu tiêu của VN mạnh nhất là Mỹ, Đức và các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Năm 2010 cũng là năm kim ngạch XK hồ tiêu cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Nhiều năm liền nước ta giữ cương vị xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, hiện nay ngành cà phê đang phấn đấu vươn lên khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao VN cho biết, lượng cà phê XK của Việt Nam năm 2010 sẽ đạt khoảng 1,15 triệu tấn, đạt khoảng 1,74 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng và 1,5% về kim ngạch so với kế hoạch đầu năm. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giá cà phê sẽ tiếp tục giữ xu hướng tăng. Người trồng cà phê VN đang mở rộng sản xuất, các vùng trọng điểm trồng cây cà phê đều có khả năng cho năng suất cao, khoảng từ 3 tấn cà phê nhân/ha. Hiệp hội Cà phê ca cao dự báo, điều kiện thuận lợi về giá cả, nguồn cung đang là cơ hội cho XK cà phê VN niên vụ mới 2011.
Năm 2011, ngành điều đề ra mục tiêu, thông qua hoạt động XK, hạt điều sẽ mang về cho đất nước khoảng 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 32% về giá trị so với năm 2010. Nhiều khả năng, ngành XK điều vẫn giữ ngôi vị đứng đầu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho rằng, trở ngại lớn nhất hiện nay của ngành điều là tình trạng các nhà máy thiếu nguyên liệu để chế biến. Bên cạnh đó, cây điều VN còn bị tác động thời tiết và chịu sự chi phối về giá cả trên thị trường thế giới. Ông Thanh cho biết, năm 2011, vấn đề đặt ra cho ngành điều là 50% nguyên liệu chế biến, tương đương 300.000 tấn/năm vẫn phải lệ thuộc vào nhập khẩu. Trước tình trạng trên, để duy trì tốc độ sản xuất và XK, vừa qua, Vinacas đã trình lên Bộ NN&PTNT quy hoạch chi tiết ngành điều. Trong bản quy hoạch này, Vinacas đề nghị xây dựng vùng chuyên canh điều rộng 200.000ha tại tỉnh Bình Phước, nơi được mệnh danh là thủ phủ của loại cây này.
Bên cạnh đó, ngành tiêu VN đang tập trung sản xuất, bảo vệ ngôi vị đứng đầu của mình. Theo VPA, năm 2011, sản lượng hồ tiêu dao động từ 100.000 - 110.000 tấn, ngành tiêu sẽ XK trên 100.000 tấn. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA khẳng định, hiện hồ tiêu VN đang chiếm 60% nguồn cung thị trường thế giới, nên có thể tự quyết định cũng như chi phối giá hồ tiêu trên thị trường. Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá hồ tiêu trong năm tới vẫn sẽ ở mức cao do nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của thế giới lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, sản lượng cà phê niên vụ 2010-2011 có khả năng giảm khoảng 15% so với kế hoạch do thời tiết không thuận lợi. Dự kiến sản lượng cà phê chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn. Tuy sản lượng có giảm nhưng giá cà phê đang ở mức cao sẽ giúp nông dân bù lại những thiếu hụt về sản lượng. Tự tin sẽ duy trì vị trí số 1 thế giới về XK cà phê, song vấn đề với ngành cà phê VN là xây dựng thương hiệu của mình. VN là nước XK cà phê lớn nhất thế giới, tuy nhiên, giá trị cà phê mang lại cho người nông dân và XK lại không cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến người trồng cà phê thu nhập không tương xứng với sản lượng XK là do giá cà phê VN thấp hơn các nước khác. Điều này do chất lượng cà phê của VN chưa có đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cà phê XK vẫn phối trộn để tăng lượng và giảm giá thành, không phải hàng chất lượng cao để tạo hương vị. Hầu hết cà phê xuất khẩu dưới dạng nhân thô, không qua chế biến, có đến 99% cà phê chưa rang xay. Ông Phan Hữu Đệ, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao VN cho rằng, sự hạn chế về chất lượng đã khiến cho cà phê VN không tạo dựng được thương hiệu, từ đó không phân biệt được giá. Ngoài ra, cà phê VN còn bị các nhà đầu cơ quốc tế thao túng do chưa thiết lập được hệ thống chế biến, tiêu thụ, XK chuyên nghiệp. Ông Đệ cảnh báo, năm 2011 có thể thị trường sẽ đảo chiều, cần cảnh giác để nâng cao giá trị cà phê, tránh bị ép giá. Để giữ vị trí số 1, ngành cà phê Việt Nam phải nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn thế giới, đồng thời mở rộng thị trường mới.
Bên cạnh 3 mặt hàng "nổi đình, nổi đám" trên, VN còn nhiều mặt hàng đang được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng như gạo, cá tra, tôm… Người nông dân VN bằng chính khả năng của mình, bắt nguồn từ tình yêu quê hương đã biến những cánh đồng chiêm, trũng, những mặt hồ, ao thành vùng kinh tế chiến lược, tạo ra những nông sản chất lượng, khẳng định vị thế nền nông nghiệp VN với thế giới.