Giá cá tra nguyên liệu giao tại nhà máy chế biến đang ở mức 24.000 đồng/kg được xem là mức giá cao hơn so với các nước ở khu vực.
Thiếu nguyên liệu dài dài
Ngày 18.1, tại hội nghị tổng kết điều hành, sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2010 tại Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) dự báo, năm 2011 cả nước nuôi khoảng 1 triệu tấn cá tra nguyên liệu, ước tính sẽ thu được khoảng 360.000 – 380.000 tấn philê, giảm 40% so năm 2010.
Ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch uỷ ban cá (thuộc VASEP) xác định: năm 2011, ngành chế biến cá tra sẽ tiếp tục bị gián đoạn nguyên liệu vào các tháng 6, 7, 8 và tình trạng tương tự này sẽ còn tác động đến năm 2012.
Theo đánh giá của tổng cục Thuỷ sản, giá cá tra nguyên liệu tăng cao, người nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khuynh hướng đầu tư trở lại, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Trong khi đó, ông Minh cho rằng, ngân hàng đã quay lưng với con cá tra từ hai năm nay.
Trong khi hầu như người dân không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, tổng cục Thuỷ sản lại phân bổ chỉ tiêu cho các tỉnh ĐBSCL trong năm 2011 rằng, phải duy trì hơn 6.000 hecta mặt nước nuôi cá tra. Theo các địa phương ở ĐBSCL, chỉ tiêu này không khó thực hiện dù không ít hộ nuôi đã bỏ nghề vì bị lỗ lã nhiều năm nay. Ông Võ Văn Đệ, ngư dân phường Thuận An (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) nói, có người treo ao, nhưng cũng có người thế chấp tài sản với đại lý cung cấp thức ăn để tái đầu tư khi giá cá ở mức hấp dẫn.
Thực tế, diện tích nuôi cá tra ở từng địa phương trong nhiều năm qua không phải là con số thống kê chính xác. Do vậy, trong một số diễn biến nhất định, hầu như không thể xoay xở được, mà điển hình nhất là liên tục xảy ra tình trạng khủng hoảng về nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, ngành cá tra cần phải kiểm soát cho được diện tích nuôi, sản lượng... để từ đó kiểm soát được giá cả. “Điều này có vẻ khó khi quản lý nhà nước hiện tại còn chưa phù hợp với thực tế sản xuất, chế biến và xuất khẩu”, ông Dũng nói.
Nâng cao chất lượng cá tra
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, năm 2008 – 2009, do thị trường nhập khẩu yêu cầu giá thấp, các doanh nghiệp chú trọng đến hiệu quả kinh doanh, dẫn đến chất lượng sản phẩm cá tra giảm. Tuy nhiên, trong năm 2010, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước khẳng định lại chất lượng của cá tra.
Năm 2010, tổng diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL khoảng 5.420 hecta. Con số này thấp hơn năm 2009, nhưng theo đánh giá của tổng cục Thuỷ sản, do nâng cao năng suất, nên sản lượng cá thu hoạch đạt 1.141.000 tấn, tăng 4,6% so với năm 2009.
Theo dự báo của tổng cục Thuỷ sản, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2011 sẽ đạt mức 1,4 tỉ USD, khối lượng xuất khẩu đạt 645.000 tấn. Tuy nhiên, những con số này có thể thay đổi khi một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia cũng đang triển khai nuôi cá tra và người nuôi được sự ủng hộ tài chính từ phía chính phủ sở tại.
Trong năm 2010, mặt hàng cá tra Việt Nam liên tục gặp phải nhiều rào cản từ thị trường tiêu thụ, cụ thể như: bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục duy trì thuế chống bán phá giá; Ukraine đã cảnh báo đối với sản phẩm thuỷ sản Việt Nam, trong đó có cá tra; Brazil thắt chặt kiểm soát và tăng thuế đối với cá tra nhập khẩu... Trước tình hình như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, cá tra Việt Nam chỉ có thể sống khoẻ nếu được nâng chất.
Giá thức ăn cho cá tra liên tục tăng trong năm 2010
Giá thức ăn cho cá tra tăng tám lần trong năm 2010 (tăng từ 1.500 – 2.200 đồng/kg so với cuối năm 2009), giá bán thức ăn hiện dao động từ 7.500 – 11.400 đồng/kg tuỳ từng loại có chất lượng khác nhau. Theo các cơ sở sản xuất thức ăn, giá thức ăn cho cá tra tăng là do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn trên thế giới, thuế nhập khẩu, tỷ giá ngoại tệ so với đồng tiền Việt Nam, giá điện và than tăng. Tuy nhiên, theo bộ Tài chính, thuế nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thức ăn đều ở mức 0% như: bột mịn, bột thô, bột viên từ thịt, hoặc phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ như khô dầu, cá bột để làm giống... Sản phẩm cá tra các loại xuất khẩu được hưởng thuế GTGT là 0%.