Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường nội rớt giá: Do nhập khẩu hay nhập lậu?
06 | 05 | 2011
So với đầu năm thì giá đường đã mất 4.000-5.000 đồng/kg. Dù giá giảm mạnh nhưng sức mua không cao.

Chỉ trong một thời gian ngắn giá đường trên thị trường đã giảm mạnh khiến nhiều DN đường có nguy cơ thua lỗ. Điều đáng nói là đang có nhiều ý kiến trái chiều giữa các cơ quan quản lý về nguyên nhân làm cho đường rớt giá.

Cho nhập khẩu đường ngay lúc mía trúng mùa

Hiện giá đường trắng mà các nhà máy bán ra đang ở mức 16.000-17.000 đồng/kg. Giá bán này đang thấp hơn khoảng 1.000-1.500 đồng/kg so với cách đây không lâu. Nếu so sánh với dịp đầu năm thì đường đã mất giá 4.000-5.000 đồng/kg. Điều đáng nói là dù giá giảm mạnh nhưng sức mua không cao. Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường VN, hiện doanh nghiệp (DN) đang tồn kho khoảng hơn 500.000 tấn đường.

Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường VN, cho hay nếu cộng cả lượng đường sản xuất trong nước và nhập khẩu sẽ không vượt quá so với nhu cầu sử dụng 1,3 triệu tấn đường như dự báo trong năm. Tuy nhiên, thời gian qua, việc Bộ Công Thương cho phép DN nhập khẩu 200.000 tấn đường cùng với thời điểm kết thúc niên vụ sản xuất khiến cung vượt cầu. Chưa kể niên vụ sản xuất đường năm nay trúng mùa nên DN sản xuất được 1,1 triệu tấn đường, cao hơn những năm trước khoảng 200.000 tấn.

“Do giá đường trong nước đang giảm nên lượng đường nhập khẩu vẫn chưa về nhiều. Tuy nhiên, chính động thái cho phép nhập khẩu của Bộ Công Thương trùng với vụ chính vừa kết thúc đã tác động về mặt tâm lý khiến giá đường trong nước giảm mạnh như vừa qua” - ông Hải cho hay.

Dự báo sai

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thì lại cho rằng giá đường hạ là do lượng đường nhập khẩu ồ ạt trước đó. Nguyên nhân sâu xa của đường rớt giá là do cơ quan quản lý dự báo sai nguồn cung. Cách đây vài tháng, có một số DN nhập khẩu đường đã nhập hết số quota. Tuy nhiên, số đường đã nhập không bán mà lại được găm giữ khiến cho các DN có nhu cầu lại không thể mua vào. Khi đó, DN không mua được đường thì lại đề xuất cấp hạn ngạch để nhập đường. Chính vì vậy, nguồn cung dồi dào ắt giá giảm là điều tất yếu.

Điều đáng lo ngại nhất mà ông Tuấn băn khoăn là việc giá đường xuống khiến nguồn nguyên liệu mía sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại đến lợi ích của nông dân. Bởi lẽ, năm nay đến mùa thu hoạch mía nhưng nhiều vùng nguyên liệu mía không bán được vì nhà sản xuất hạn chế mua. Do đó, có thể đến sang năm nông dân sẽ bỏ ruộng mà không trồng mía nữa. Việc giá mía cũng như giá đường sang năm sẽ tăng mạnh là điều có thể xảy ra.

Thiếu cơ quan điều phối

Ông Lê Văn Dĩnh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Bourbon (Tây Ninh), cho biết với giá đường như hiện nay DN sản xuất đường chưa lỗ. Trái lại, nếu nhà máy nào hoạt động tốt, tiết kiệm chi phí vẫn có thể có lãi.

Theo ông Dĩnh, hiện trong nước không có quỹ bình ổn đường. Cho nên thời gian qua, việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao của ngân hàng khiến nhiều nhà phân phối đường không dám mua dự trữ. Trong khi đó, về phía các nhà máy sản xuất do áp lực thanh toán chi phí, tiền mía buộc phải bán đường với giá rẻ.

29.000 tấn là số đường nhập khẩu trong ba tháng đầu năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước 2.000 tấn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xem xét giãn thời gian thực hiện đến sau tháng 7 đối với số lượng quota nhập khẩu đường đã cấp nhưng chưa ký hợp đồng và mở L/C.

Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương

Ở khía cạnh khác, GS Võ Tòng Xuân cho rằng sự tăng giảm thất thường của giá đường một phần do chính sách quản lý còn non kém, thiếu quy hoạch đối với mặt hàng được xem là nhu yếu phẩm này. Hiện nay trong nước không có cơ quan điều phối đường nên không biết nhu cầu, tình hình sản xuất, giá đường thực tế để có cơ sở định giá trong nước.

GS Xuân cho biết chính phủ ở nhiều nước luôn nắm rõ lượng cung cầu của các mặt hàng trọng yếu ở từng thời điểm để điều phối thị trường. Nhưng ở VN lại thả nổi, để cho DN tự điều chỉnh nên mới có sự thiệt hại cho cả người tiêu dùng và người sản xuất. Nhà nước không thể nắm được lượng đường mỗi nhà máy sản xuất ra trong từng tháng, cũng không nắm được cụ thể các công ty sữa đặc có đường, công ty nước giải khát, công ty bánh ngọt... sử dụng bao nhiêu đường nên không biết lượng đường sản xuất đang nằm ở đâu. Nước ta hiện đang thiếu một cơ quan điều phối đường để nắm rõ nhu cầu trong nước, tình hình sản xuất, giá đường thực tế ở trong nước và nước ngoài để có cơ sở xác định giá trong nước.

Ông Hải cho hay việc giá đường giảm thấp sẽ ảnh hưởng tới giá thu mua nguyên liệu. Niên vụ đường năm sau, các nhà máy đường sẽ hạ giá thu mua nguyên liệu xuống thấp và đối tượng chịu thiệt là người trồng mía. Và rồi ngành mía lại rơi vào vòng luẩn quẩn thừa thiếu nguyên liệu như nhiều năm qua.

Đường nhập lậu tràn lan

Ngoài các nguyên nhân, theo nhiều DN, đường nhập lậu từ Thái Lan là nguyên nhân chính khiến cho giá đường trong nước xuống thấp. Vụ mùa năm nay, Thái Lan cũng trúng mùa và dư thừa một lượng đường khá lớn. Chính vì dư thừa nên một số DN đường Thái Lan có quota C (không bị khống chế bởi đường nhập khẩu và đường tiêu thụ trong nước) đã xuất lậu qua VN. Ước tính của DN, mỗi ngày có hàng trăm tấn đường nhập lậu từ Thái Lan tuồn qua VN.

“Tại An Giang, hàng chục ghe nối đuôi nhau chở đường nhập lậu. Vì không ai kiểm soát nên đối tượng buôn lậu còn sử dụng cả bao bì của đường sản xuất trong nước để đóng gói đường lậu đem đi tiêu thụ. Điều này chứng tỏ công tác chống buôn lậu tại các cửa khẩu thực hiện không tốt” - ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường VN, cho hay.

Kéo giãn thời gian nhập khẩu

Cuối tuần qua, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về xuất nhập khẩu đường và cân đối cung cầu trong nước. Bộ NN&PTNT cho rằng các nhà máy đường sản xuất trong nước gặp khó khăn do đường tồn kho nhiều với lãi suất cao, chứ không phải do đường nhập khẩu. Lượng đường nhập khẩu hiện nay vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Liên bộ đã thống nhất sẽ trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất mía đường trong nước.



Theo Pháp Luật
Báo cáo phân tích thị trường