Theo IRSG, sản lượng cao su tự nhiên trong năm 2011 ước đạt 10,9 triệu tấn, tăng 5,8% từ mức 10,3 triệu tấn trong năm 2010. Với mức cung tăng này, giá cao su tự nhiên có thể sẽ giảm 27%, từ mức cao kỷ lục 535,7 Yên/kg đạt hồi tháng 2 vừa qua; đồng thời, giúp các nhà sản xuất lốp xe như Bridgestone Corp. và Michelin & Cie giảm chi phí sản xuất. Giá cao su tự nhiên đã tăng lên mức kỷ lục do nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc và mưa, lũ lụt làm giảm nguồn cung từ Thái Lan và Indonesia, hai nhà xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới. Tuy vậy, giá cao su tự nhiên cao đã thúc đẩy những người nông dân tại Myanmar, Campuchia và hiện còn có thể ở Indonesia tăng cường cạo mủ để thu lợi.
Giá cao su giao dịch tương lai đã leo lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua và phục hồi từ mức giá thấp 335 Yên/kg trong giao dịch năm 2011. Giá cao su giao tháng 11 giảm 2,2%, xuống mức 384 Yên/kg (tương đương 4.902 USD/tấn) trên thị trường Tokyo. Giá cao su tương lai đã tăng gấp đôi so với năm 2009 và tăng 50% so với năm 2010.
Mưa lớn không ngừng tại miền Nam Thái Lan làm gián đoạn hoạt động cạo mủ; đồng thời làm chậm lại quá trình tái tạo mủ của cây cao su, sau mùa thu hoạch thấp truyền thống kéo dài từ tháng 2 – 5. Hiện tượng La Nina – vốn làm tăng lượng mưa tại các nước Đông Nam Á, đang yếu dần, do đó có thể thúc đẩy sản lượng cao su trong nửa cuối năm 2011.
Thâm hụt cung – cầu cao su đến năm 2020 có thể đạt đến mức 1 triệu tấn do nhu cầu của các nhà sản xuất lốp xe thúc đẩy cầu cao su tự nhiên lên mức 15,4 triệu tấn. Nhu cầu cao su tự nhiên năm 2011 có thể đạt 11,2 triệu tấn, tăng 4,7% so với năm 2010. Theo ông Evans, tổng thư ký của IRSG, ngành sản xuất ô tô của Trugn Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ cầu. Trung Quốc có kế hoạch lớn trong việc mở rộng ngành sản xuất ô tô. Sản lượng ô tô tăng chắc chắn sễ dẫn đến sản lượng lốp xe tăng, đặc biệt là 75% lốp xe tại các xe đã bán ra trên thị trường có nhu cầu được thay thế.
Đến năm 2015, doanh số ô tô tại Trung Quốc có thể tăng lên mức 30 triệu xe, từ mức 18 triệu xe trong năm 2010. Doanh số xe tại Ấn Độ có thể tăng gấp đôi, lên mức 3 triệu xe đến năm 2015.
Theo IRSG, nhu cầu lốp xe toàn cầu tăng nhanh hơn cung, do tăng trưởng của Trung Quốc. Doanh số lốp xe chở khác toàn cầu ước đoán tăng 6,1% trong năm 2010; trong khi đó, doanh số dòng xe thương mại ước tăng 11%.
Kim Dung AGROINFO
Theo Bloomberg