Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
USDA điều chỉnh dự báo sản lượng gạo Trung Quốc sẽ giảm trên 2 triệu tấn
24 | 06 | 2011
Theo Báo cáo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) ngày 10/6/2011, tổng cung và tiêu thụ gạo toàn cầu 2011 được điều chỉnh giảm so với báo cáo tháng 5, trong đó dự báo sản lượng gạo điều chỉnh giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó.

Dự báo tổng cung và tiêu thụ gạo toàn cầu 2011 sẽ đạt lần lượt 450,01 và 447,4 triệu tấn. Như vậy, tương quan cung cầu gạo thế giới năm 2011 vẫn sẽ được đảm bảo. Về thương mại, dự báo xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2011 đạt 31,49 triệu tấn, trong khi nhập khẩu đạt 29,58 triệu tấn.

Trung Quốc – quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, dự báo sản lượng gạo năm 2011 của tháng 6 điều chỉnh giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo của tháng 5, ở mức 137 triệu tấn, do tác động của hạn hán tới một số vùng sản xuất mùa vụ chính. Sự sụt giảm tại Trung Quốc được bù đắp lại bởi tăng sản lượng tại một số quốc gia khác là Việt Nam, Campuchia, Philippine. Trong đó, Việt Nam đạt 25,53 triệu tấn, tăng 275 nghìn tấn; Philippin dự báo đạt 10,55 triệu tấn, tăng 200 nghìn tấn; Campuchia dự báo đạt 5,2 triệu tấn, tăng 180 nghìn tấn.

Về xuất khẩu, theo lần điều chỉnh gần nhất Việt Nam được dự báo xuất khẩu tăng thêm 200 nghìn tấn trong năm 2011, lên 6,2 triệu tấn; trong khi Thái Lan, Ấn Độ vẫn giữ ở mức dự báo 10 và 2,4 triệu tấn; Pakistan giảm 150 nghìn tấn, xuống còn 2,5 triệu tấn. Ở nhóm thị trường thấp hơn, xuất khẩu gạo của Miến Điện bất ngờ được điều chỉnh từ 200 nghìn tấn lên tới 700 nghìn tấn, sẽ tạo sự cạnh tranh lớn đối với Việt Nam ở phân khúc gạo phẩm cấp thấp. Campuchia vẫn được dự báo xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn.

Về nhập khẩu, Trung Quốc được điều chỉnh tăng nhập khẩu lên 600 nghìn tấn, tăng 200 nghìn tấn so với dự báo của tháng 5. Nhập khẩu gạo của khu vực EU cũng được điều chỉnh tăng 80 nghìn tấn, lên 1,15 triệu tấn. Tại một số nước nhập khẩu gạo lớn, gần như không có sự điều chỉnh về lượng nhập khẩu: Nigeria (1,9 triệu tấn), Indonesia (1,75 triệu tấn), Iran (1,4 triệu tấn), Philippin (1,2 triệu tấn), Malaysia (1,04 triệu tấn), Bangladesh (01 triệu tấn).

Theo Vinanet



Báo cáo phân tích thị trường