Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tái khởi động bảo hiểm nông nghiệp
29 | 06 | 2011
Người nông dân kỳ vọng BHNN sẽ giúp họ phần nào giảm bớt gánh nặng rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh.

Ngày 1/7 tới, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) sẽ chính thức được triển khai thí điểm tại 21 tỉnh, thành. Trong đó, thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương, Hà Nội; bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Người nông dân kỳ vọng BHNN sẽ giúp họ phần nào giảm bớt gánh nặng rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, hoàn thành "trọng trách" này không dễ. Bởi thực tế, BHNN đã từng được Bảo hiểm Bảo Việt và Công ty Bảo hiểm Groupama (Pháp) triển khai cách đây hơn 10 năm, nhưng "chịu không nổi" vì phí bảo hiểm thu được không nhiều, trong khi bồi thường lại rất lớn.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ, dù biết có rất nhiều rủi ro, nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn "chinh phục" được thị trường BHNN. Bởi lẽ, Việt Nam là nước nông nghiệp, phần lớn đất đai và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là thị trường tiềm năng và không có sự cạnh tranh, trong khi các nghiệp vụ bảo hiểm khác đang cạnh tranh rất gay gắt và đã có dấu hiệu bão hòa. Một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện BHNN trong thời gian qua, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người nông dân cả về quy mô và hiệu quả kinh doanh.

Bảo Minh - một trong những doanh nghiệp được chọn triển khai đề án thí điểm BHNN cho biết, bên cạnh mục tiêu xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương, Bảo Minh đang đi tiên phong trong việc thí điểm xây dựng sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn mới và giảm thiểu tối đa những hạn chế của sản phẩm BHNN truyền thống, tạo tiền đề phát triển nghiệp vụ BHNN trong thời gian tới. Thực tế, Bảo Minh đã bắt đầu triển khai thí điểm bảo hiểm chỉ số hạn hán đối với cây cà phê tại Đắk Lắk từ đầu năm 2011 (tức là mùa hạn sớm). Dù chỉ triển khai trong thời gian rất ngắn (khoảng nửa tháng) và trong trong phạm vi hẹp (chỉ có 56 xã thuộc 4 huyện và TP Buôn Ma thuột), nhưng Bảo Minh đã ký kết được 22 hợp đồng, với tổng số tiền bảo hiểm hơn 400 triệu đồng và phí bảo hiểm hơn 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, đại diện Bảo Minh thừa nhận, kết quả ban đầu còn rất khiêm tốn (doanh thu thấp và bồi thường cao). Nhưng do đã xác định sản phẩm bảo hiểm mà Bảo Minh thiết kế là rất mới, nên trong giai đoạn thí điểm, mục tiêu chủ yếu là giới thiệu và quảng bá sản phẩm mới về nông nghiệp cho bà con nông dân và thị trường. Đồng thời, thông qua việc thí điểm sẽ giúp Bảo Minh có cơ sở nghiên cứu cải tiến để có thể triển khai rộng loại hình bảo hiểm này, không những đối với rủi ro hạn hán cho các loại cây trồng khác, mà còn đối với các rủi ro khác như lũ lụt, nhiệt độ…

Theo các chuyên gia trong ngành, khi triển khai một loại hình bảo hiểm mới như BHNN, nguyên tắc của doanh nghiệp là mong muốn có số đông nông dân tham gia để có thể hạch toán bù cho số ít bị thiệt hại. Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay, mặc dù Nhà nước đã quyết định sẽ hỗ trợ đáng kể, song doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay không khỏi đắn đo trong việc tham gia lĩnh vực BHNN cho nông dân. Vì đây là lĩnh vực bảo hiểm tiềm ẩn nhiều rủi ro, liên tục xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Mức chi đền bù sẽ cao, trong khi mức thu phí thấp. Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ khó đánh giá mức thiệt hại của nông dân. Bởi vì, đặc thù của nông nghiệp ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún. Giá cả đầu ra của nông sản bấp bênh, nên cũng khó xác định được mức thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, quá trình bồi thường bảo hiểm sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và nông dân, Nhà nước cần có một bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, nhiều hướng dẫn cụ thể hơn nữa mới thực hiện được BHNN.

"Ngoài sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác, đối với những doanh nghiệp bảo hiểm tham gia BHNN, việc lựa chọn kênh phân phối phù hợp (đại lý) cùng với việc đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ này sẽ đóng vai trò quan trọng không, những trong việc tiếp cận và thuyết phục bà con nông dân, mà còn giúp giảm thiểu chi phí cho các bên", đại diện Bảo Minh nói.

Theo ĐTCK



Báo cáo phân tích thị trường