Hiện nay trên thế giới có khoảng 1,8 tỷ người theo đạo Hồi, chiếm khoảng 25% dân số toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng dân số trong khu vực Hồi giáo khoảng 2,9%/năm thì số lượng tín đồ Hồi giáo sẽ chiếm khoảng 30% dân số thế giới vào năm 2025. Đây là một con số khá ấn tượng đối với ngành công nghiệp Halal thế giới. Ngoài ra hiện cũng có một lượng lớn người tiêu dùng không theo đạo Hồi đang ưa chuộng sản phẩm Halal.
Một số nước đã trở thành nhà XK sản phẩm Halal nổi tiếng và có uy tín như Braxin, Pháp, Mỹ…, trong đó Mỹ là nước XK thịt bò lớn thứ 3 thế giới, trong đó hơn 80% lượng thịt bò đông lạnh là sản phẩm Halal. Theo con số gần đây nhất được Diễn đàn Halal Thế giới công bố, giá trị trao đổi thương mại toàn cầu tính riêng cho nhóm hàng thực phẩm Halal đạt khoảng 661 tỷ USD và 1.200 – 2.000 tỷ USD/năm nếu tính cả nhóm sản phẩm phi thực phẩm và dịch vụ Halal khác.
Yêu cầu cơ bản khi chứng nhận Halal, theo ông Trần Xuân Giáp – Giám đốc Văn phòng Chứng nhận Halal tại Việt Nam, là nguyên liệu sản xuất phải là sản phẩm Halal. Hầu hết các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật và thủy sản đều là Halal, trừ một số loài như cua, cá sấu… Tiếp đến là không sử dụng cồn dưới mọi hình thức để đưa trực tiếp vào sản phẩm, kể cả dùng cồn khử trùng và vệ sinh tay cho công nhân trước khi vào nhà xưởng. Ngoài ra còn không được sử dụng nguyên liệu động vật bị cấm như thịt lợn hoặc giết mổ không theo nghi lễ đạo Hồi, và phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn nhà xưởng.
Về những khó khăn trong quá trình chứng nhận Halal, ông Giáp cho biết chủ yếu là nhận thức của cán bộ công nhân viên trong DN. Ông đưa ra một số ví dụ như người lao động không được phép ăn thịt lợn hoặc có ăn thì trước khi sản xuất sản phẩm trong phân xưởng phải vệ sinh răng miệng, tuy nhiên việc này rất khó kiểm soát mà chủ yếu là do nhận thức của người lao động. Tuyệt đối không được phép dùng chung thiết bị sản xuất sản phẩm Halal với thiết bị sản xuất sản phẩm Haram, nhưng có thể dùng chung với thiết bị không phải là Halal nhưng phải vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.
Các DN muốn có chứng nhận Halal cho sản phẩm cần phải “đệ trình” một số giấy tờ cần thiết như hợp đồng chứng nhận Halal, hồ sơ giới thiệu công ty bao gồm cả sơ đồ tổ chức, đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập, các giấy phép hoạt động khác, quy trình/sơ đồ sản xuất các sản phẩm chứng nhận, các kết quả thí nghiệm của sản phẩm chứng nhận và các chứng nhận khác.
Theo ông Giáp, thủ tục này là rất cần thiết và DN cần phải khai báo rất cụ thể vì việc đó sẽ rất có lợi và thậm chí giảm chi phí cho DN. Ông lấy ví dụ, có những sản phẩm mà nguyên liệu được hợp thành từ 10 nguyên liệu khác nhau nhưng khi khai báo trên hồ sơ lại chủ quan nên chỉ khai báo khoảng 7 thành phần chính, đến khi các chuyên gia kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất phát hiện thấy 3 nguyên liệu còn lại thuộc Haram và lập tức sản phẩm đó không được chứng nhận Halal! Thật đáng tiếc vì DN đã phải tốn một khoản chi phí cho các chuyên gia đến kiểm tra thực tế tại nhà máy trong khi nếu trước đó DN khai báo đầy đủ trên hồ sơ thì sẽ giảm được khoản chi phí này.
Theo Vasep