Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thép, thức ăn chăn nuôi có thể không thuộc hàng dự trữ bắt buộc lưu thông
14 | 07 | 2011
3 mặt hàng có thể phải dự trữ bắt buộc lưu thông là gạo, đường và phân bón.

Theo dự thảo về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu, 5 mặt hàng thiết yếu sẽ phải có dự trữ bắt buộc khi lưu thông gồm gạo, đường, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi.

Mức dự trữ phổ biến là từ 3 - 12%, tuỳ theo từng mặt hàng.

Sau khi Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng thì theo ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) số lượng mặt hàng thuộc diện phải dự trữ bắt buộc chỉ còn là 3.

Ông Lộc An giải thích, đối với thép và thức ăn chăn nuôi, dự trữ bắt buộc tập trung chủ yếu vào nguyên liệu là phôi thép và đậu tương, khô dầu... Nhưng khi cần thì lại là thành phẩm, nên việc dự trữ có thể không khả thi do lúc đó có thể bị tác động bởi các yếu tố bất khả kháng như mất điện, máy móc trục trặc.

Thời điểm này, Vụ thị trường trong nước vẫn đang chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo nêu trên.

Căn cứ vào biến động trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ quyết định điều chỉnh tăng (mua vào) hoặc giảm (bán ra) mức dự trữ bắt buộc đối với từng loại hàng hoá.

Thời gian giữa hai lần điều chỉnh mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp giảm mức dự trữ lưu thông bắt buộc và tối thiểu là 30 ngày đối với trường hợp tăng mức dự trữ lưu thông bắt buộc.

Giá bán lẻ hàng hoá dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10% giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra.

Về phía doanh nghiệp khi thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc sẽ được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố vào thời điểm quyết định mức dự trữ lưu thông có hiệu lực. Ngoài ra, chi phí dự trữ lưu thông cũng được hạch toán vào chi phí chung của doanh nghiệp.

Theo Vneconomy



Báo cáo phân tích thị trường