Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mía đường còn "nhường" cây khác
18 | 07 | 2011
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tình trạng mua, bán xô đang khiến cho việc thay đổi giống mía cũ sang những giống mía mới có chất lượng cao hơn diễn ra chậm chạp

Chữ đường thấp, mua bán xô tràn lan, là những vấn đề nổi cộm vừa được đề cập tới trong hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2010-2011, chuẩn bị vụ ép 2011-2012 và kết quả thực hiện QĐ 26 của Thủ tướng Chính phủ được Bộ NN-PTNT tổ chức cuối tuần qua.

Tăng lượng, chưa tăng chất

Theo ông Đoàn Xuân Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thuỷ sản và Nghề muối, niên vụ 2010-2011 lần đầu tiên, năng suất mía bình quân cả nước đã vượt ngưỡng 60 tấn/ha, khi đạt 60,5 tấn/ha, cao hơn vụ trước tới 8,8 tấn/ha. Cùng với diện tích mía tăng thêm 6.300 ha, niên vụ 2010-2011 đã có tổng sản lượng mía là 16,4 triệu tấn, tăng hơn niên vụ trước tới 2,7 triệu tấn.

Nhờ đó, công suất chế biến bình quân chung của các nhà máy đường đã được nâng từ 61,8% ở vụ trước đó lên 74,8% so với công suất thiết kế. Sản lượng mía ép công nghiệp đạt 12,5 triệu tấn (tăng 2,9 triệu tấn), sản lượng đường là 1.15.460 tấn (tăng 260.460 tấn). Hầu hết các nhà máy đường đều có lãi.

Tuy nhiên, niên vụ 2010-2011 cũng đã bộc lộ ra nhiều tồn tại lớn trong sản xuất mía đường. Nổi cộm nhất là việc tỷ lệ tiêu hao mía bình quân của cả nước hầu như không được cải thiện, và vẫn nằm ở mức 10,8 mía/1 đường như niên vụ trước. Nguyên nhân chính là việc thu mua mía xô và cạnh tranh trong thu mua mía nguyên liệu, đặc biệt là tình trạng để nguyên ngọn và độn tạp chất vào mía đang rất phổ biến ở ĐBSCL và Miền Trung – Tây Nguyên, khiến cho chất lượng mía đưa vào nhà máy thấp.

Ông Đoàn Xuân Hoà ca thán: “Cứ tiếp tục tình trạng mua xô, bán xô như hiện nay thì không thể nào cải thiện được chất lượng đường”. Còn theo ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tình trạng mua xô, bán xô đang khiến cho việc thay đổi những giống mía cũ sang những giống mía mới có chất lượng cao hơn, diễn ra rất chậm chạp.

Bên cạnh đó, dù sản lượng, năng suất tăng mạnh, nhưng chữ đường trong mía ở nhiều khu vực còn khá thấp. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết, ở Hậu Giang có câu lạc bộ 200 tấn mía/ha. Những nông dân được kết nạp vào câu lạc bộ, ngoài năng suất 200 tấn/ha trở lên, còn phải đạt tiêu chí chữ đường từ 8 CCS trở lên. Vậy mà không ít nông dân, dù đã dư sức làm mía tới 200 tấn/ha, nhưng lại không đạt nổi chữ đường nói trên. Ông Long nói “Mía đẹp hay xấu, cứ làm ra là có các nhà máy tới tranh nhau mua, bao tiêu hết. Làm sao có thể khuyến khích nông dân làm mía chất lượng cao hơn được?”.

Ông Nguyễn Văn Lộc, TGĐ Cty CP Đường Biên Hoà khẳng định, nguyên nhân năng suất đường trên một ha mía thấp là do các công ty và nông dân vẫn đang phụ thuộc vào nguồn giống mía có nguồn gốc nước ngoài, vì giống mía nội rất ít. Ông Lộc khẳng định “Lấy giống của nước ngoài mà đòi hỏi năng suất, chất lượng cao như bên nước họ là không thể. Trên thế giới, những nước phát triển mía đường đều có những bộ giống tốt của riêng họ”.

Cũng theo ông Lộc, tình trạng mía chín rộ vào cùng một thời điểm, gây khó khăn lớn cho thu hoạch và đưa đến các nhà máy ngay trong ngày, cũng làm giảm đáng kể chữ đường, vì nếu mía đã thu hoạch mà không được đưa đến nhà máy trong vòng 24 giờ, sẽ bị giảm tới 10% chữ đường.

Cây mía vẫn lép vế

Theo QĐ 26 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2010, diện tích mía cả nước là 300.000 ha, năng suất bình quân 65 tấn/ha, chữ đường bình quân 11 CCS, sản lượng mía 19,5 triệu tấn, tổng công suất các nhà máy đường 105.000 tấn, sản lượng đường công nghiệp 1,4 triệu tấn.

Như vậy, đến thời điểm này, chỉ có tổng công suất các nhà máy đường là đã vượt so với chỉ tiêu của QĐ 26. Còn lại các chỉ tiêu khác đều chưa đạt, thậm chí có những chỉ tiêu còn thấp. Bởi thế, để sớm đạt được những chỉ tiêu của QĐ 26, ngoài việc khắc phục những hạn chế nói trên, nhiều ý kiến cho rằng công tác quy hoạch mía đường ở các địa phương cần phải được làm rốt ráo hơn nữa.

Hiện tại, trong 25 tỉnh có nhà máy đường, mới có 16 tỉnh đã làm quy hoạch xong cho tất cả các nhà máy trên địa bàn. Các tỉnh còn lại đang trong quá trình rà soát quy hoạch, thậm chí tỉnh Cao Bằng còn chưa rà soát quy hoạch.

Nhưng có một thực tế là kể cả khi địa phương đã có quy hoạch cụ thể vùng mía nguyên liệu, diện tích mía cũng chưa chắc đã phát triển được như mong muốn,cho dù giá mía đã tăng cao, nhưng mía vẫn khó cạnh tranh với những cây trồng khác. Ông Nguyễn Hồng Quang, PCT UBND tỉnh Tây Ninh, thừa nhận “Tây Ninh có 3 cây trồng chủ lực là cao su, mía và khoai mì, thì mía đang bị lép vế nhất. Bởi thế, tỉnh đang tính đưa cây mía xuống những vùng lúa năng suất thấp, vì ở những vùng đất cao, cây mía đang bị cao su và khoai mì lấn át”.

Ông Lê Hồng Tịnh, PCT UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng tỉnh quy hoạch, nhưng chủ động sản xuất là nông dân. Muốn nông dân Hậu Giang tiếp tục làm mía, thì lợi nhuận từ mía phải cao hơn lúa. Ông Bùi Xuân Trình, Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) khẳng định “Quy hoạch chỉ là định hướng, giá mua mía mà không tốt thì chẳng thể bắt nông dân tiếp tục trồng mía. Các nhà máy phải có cơ chế chia sẻ lại lợi nhuận với nông dân khi bán đường với giá cao”.

Trước những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đã đề nghị các doanh nghiệp cùng nghiên cứu, xem xét lại trong cái công thức giá 60 kg đường bằng 1 tấn mía hiện nay, nông dân được lợi nhuận ra sao, đã hợp lý hay chưa. Ông Bổng cũng cho rằng cần phải sớm có quy định về việc thu mua mía theo chất lượng.

Theo Cafef



Báo cáo phân tích thị trường