Sau gần một tuần đi kiểm tra thực tế cơ sở, chiều 18-7 các đơn vị chức năng đã báo cáo với bộ trưởng Bộ NN&PTNT về tình hình hiện nay, đồng thời bàn giải pháp để bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm...
Tại cuộc họp, đại diện các cục, vụ liên quan của Bộ NN&PTNT đều khẳng định: dịch bệnh từ cuối năm 2010, đầu năm 2011 và thiên tai (mưa lớn kéo dài từ sau cơn bão số 2), cộng với việc khó tiếp cận nguồn vốn vay nên sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng khiến cung không đáp ứng đủ cầu, làm giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng nhanh.
Giá tăng do thời tiết, dịch bệnh
Ông Hoàng Kim Giao, cục trưởng Cục Chăn nuôi, nói giá thịt tăng do xu hướng khác thường của thị trường, cụ thể là nhu cầu về thịt heo trong tháng 5 và tháng 6 tăng cao so với mọi năm. Sản lượng thịt heo sáu tháng đầu năm tăng gần 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,5 triệu tấn vẫn không đủ đáp ứng thị trường trong nước.
Theo ông Giao, các đợt dịch bệnh trên đàn heo khiến tổng đàn giảm 3,7%, nhất là đàn heo nái giảm 8,6%, dẫn đến thiếu giống và đẩy giá heo giống lên. Cũng vì dịch bệnh và giá đầu vào tăng, thêm giá thức ăn chăn nuôi, vốn vay và các chi phí khác như điện, nhân công tăng khiến số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ giảm 10-30%.
Về rau xanh, ông Phạm Đồng Quảng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết diện tích rau vụ hè thu chỉ bằng 60% diện tích rau vụ đông, chủng loại ít. Ở miền Bắc, sau đợt mưa kéo dài là các đợt nắng nóng làm hầu hết diện tích rau hết bị ngập úng lại đến úa héo, ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng. Sản lượng thấp, nhập khẩu giảm 10% so với quý trước nên giá rau ở phía Nam tăng 10-25%, phía Bắc tăng mạnh hơn, có chủng loại rau tăng đến 50-60%.
Tình trạng cung không đủ cầu cũng xảy ra đối với các mặt hàng như muối, đường, tôm, cá... Bà Trần Thị Miêng - phó cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối - cho rằng giá các mặt hàng tăng do cung không đủ cầu. Riêng đối với đường và muối, bà Miêng đề nghị nên xem xét, cân nhắc việc nhập muối, đường để bù vào chỗ thiếu.
Thúc đẩy sản xuất
Hầu hết ý kiến đều nhận định giá các mặt hàng nông sản tăng chỉ là đột biến, mang tính thời điểm và thời gian tới sẽ dần hạ nhiệt, ổn định hơn. Để bình ổn giá các mặt hàng nông sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng tình với các giải pháp phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, kiểm soát dịch bệnh để có sản phẩm dồi dào, cung ứng tốt cho thị trường, nhất là dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Theo ông Hoàng Kim Giao, giải pháp quan trọng, cần triển khai ngay là phải tăng cường kiểm tra, áp dụng mọi biện pháp để khống chế dịch. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân về kỹ thuật để tăng nhanh đàn heo, khuyến khích người chăn nuôi phát triển đàn gia cầm và các vật nuôi có chu kỳ thu hoạch ngắn như gà, vịt.
Đại diện Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương đẩy mạnh gieo trồng rau, nếu cần thiết thì đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nông dân vùng rau tập trung. Đặc biệt, các ý kiến tại cuộc họp đều đề nghị Chính phủ nên có những chính sách ưu tiên riêng cho nông nghiệp. Chẳng hạn về vốn nên khoanh nợ, giãn nợ và chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp, chủ trang trại, người dân được vay vốn và hỗ trợ 50% lãi suất.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ có chỉ thị yêu cầu các địa phương thực hiện ngay các giải pháp thúc đẩy sản xuất, rà soát các quy hoạch về chăn nuôi, trồng trọt để luôn chủ động về nguồn cung, hạn chế bị phụ thuộc vào các yếu tố dịch bệnh, thời tiết. Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng tình hình và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương, bộ ngành cùng tháo gỡ vướng mắc, thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp. Riêng về muối và đường, bộ trưởng đồng tình với đề xuất cho nhập khẩu để ổn định giá cả.
Theo Đức Bình
Tuổi trẻ