Những địa phương có diện tích gieo sạ lúa Hè Thu sớm (tháng 3-4) bị nhiễm rầy nâu nhanh và diện tích bị gây hại lớn ngay từ đầu vụ như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ vì chịu ảnh hưởng của sự tích lũy mật số rầy tại chỗ có sẵn ở cuối vụ Đông Xuân. Diện tích nhiễm rầy đạt cao nhất là tháng 6 (53.593 ha). Kết quả điều tra cho thấy hơn 70 % diện tích bị thiệt hại do rầy nâu đều có sự kết hợp với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu tuần từ đầu tháng 1/2007 là 79.808 ha (giảm 56.464,5 ha so với tuần trước đó), mật độ rầy phổ biến 100-2.000 con/m2, rải rác một số nơi có mật độ cao trên 6.000 con/m2, tuổi rầy phổ biến là tuổi 1-3. Do các địa phương đã ra quân đồng loạt phòng trừ nên diện tích rầy nâu giảm đáng kể, diện tích phòng trừ là 32.340,7 ha.
Bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá phát hiện đầu tiên trên trà lúa Hè Thu sớm gieo sạ trong tháng 2-3 trùng với cuối vụ Đông Xuân chính vụ do rầy nâu di chuyển từ lúa Đông Xuân sang gây hại. Diện tích nhiễm bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá tăng lên không ngừng trong vụ Hè Thu và Thu Đông ở cả Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Đến nay, tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là: 36.329,55 ha (giảm 7.570.88 ha so với tuần trước 30/12/2006). Diện tích nhiễm giảm đáng kể là do các địa phương đã tích cực tiêu huỷ và nhổ cỏ cây bị bệnh. Diện tích tiêu huỷ trong tuần là 1.494,78 ha. Trong đó diện tích nhiễm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 34.349,23 ha; tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ là 1.980,32 ha.
Kết quả phân tích số liệu điều tra ở 5 tỉnh nhiễm rầy nặng trong năm 2006 là Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang cho thấy mùa vụ, phương pháp gieo sạ và chủng loại giống sử dụng có ảnh hưởng đến mức độ nhiễm rầy. Mùa vụ gieo sạ cách nhau 30 ngày có thể giảm đi sự thiệt hại do đợt rầy nâu di trú và chỉ chịu ảnh hưởng của rầy nâu sinh sản tại chỗ nên dễ phát hiện và tiêu diệt. Về mật độ gieo sạ, sạ hàng với mật độ 120 kg/ha là biện pháp hữu hiệu để phát hiện và kiểm soát rầy nâu xuất hiện trên đồng. Một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tốc độ nhanh và mức độ cao của nhiễm rầy nâu và bệnh vàng lùn trong sản xuất là sự thiếu đa dạng trong chủng loại giống lúa.
Giải pháp cơ bản và lâu dài để đối phó với dịch hại rầy nâu là xác định và phổ biến các giống lúa kháng rầy nâu trong sản xuất. Biện pháp sắp xếp lại cơ cấu mùa vụ hợp lý và đồng lọat cho từng vùng sẽ có vai trò quyết định trong việc hạn chế mật số rầy tại chỗ. Trong giai đoạn 2006-2007, biện pháp thay đổi cơ cấu mùa vụ và bố trí sản xuất từng vùng đóng vai trò quyết định trong việc giảm sự lây lan của dịch hại rầy nâu và bệnh vàng lùn. Tuy nhiên, không nên chỉ áp dụng giải pháp “dập dịch” bằng thuốc hóa học, mà cần phải vận dụng nhiều biện pháp khác. Kinh nghiệm đối phó dịch rầy nâu năm 1976-1977 cho thấy trong điều kiện thuốc hóa học hạn chế, các biện pháp khác như mở “hội hoa đăng” (dùng bẫy đèn đồng loạt và trên quy mô lớn), đưa nước vào ruộng rồi rải dầu gasoil trên mặt nước và chà tre quơ để rầy rơi xuống và bị diệt.
Theo báo cáo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo việc tăng cường phòng trừ có hiệu quả rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa đông xuân 2006-2007 và kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2007. Lãnh đạo Bộ đã cùng chuyên gia Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức họp tại Cần Thơ để bàn biện pháp phòng chống dịch ở các tỉnh phía Nam. Tiến tới sẽ tổ chức tổng kết công tác phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá năm 2006.