Giữa tháng 7/2011, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, cơ quan kiểm tra chất lược thực phẩm của Canada đã kiến nghị không cho phép nhập khẩu cá tra, basa phile đông lạnh từ Việt Nam do phát hiện dư lượng Enrofloxacin trong các lô hàng vượt quá 0,06 ppb cho phép trong thủy sản.
Thủy sản hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong số các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada. 6 tháng đầu năm, Canada là một trong những thị trường chính nhập khẩu thủy sản của Việt Nam sau EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông và ASEAN. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 11,55 nghìn tấn thủy sản, trị giá 21,4 triệu USD sang nước bạn. Tuy nhiên kể từ ngày 20/6, khi Luật An toàn sản phẩm tiêu dùng của Canada có hiệu lực thì việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này bị ảnh hưởng.
Như vậy kể từ đầu năm đến nay, ngoài choramphenicol, Trifluralin... thì Enrofloxacin là chất đang bị cảnh báo nhiều nhất tại các thị trường nhập khẩu và lần đầu tiên Canada cảnh báo về dư lượng hóa chất này trong các lô hàng cá tra, ba sa nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, kể từ ngày 9/6/2011, Nhật Bản đã chính thức tăng tần suất kiểm tra dư lượng Enrofloxacin từ 30% số lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam lên 100%. Ngoài ra tại EU, cơ quan thẩm quyền Đức, Italia cũng đã cảnh báo 4 lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng Trifluralin và chất diệt mối Chlophyriphos.
Cho đến nay, vẫn chưa có văn bản mới nào bổ sung, thay thế cho thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 của Bộ NN&PTNN ban hành Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng. Và tại thời điểm này, Enrofloxacin vẫn có tên trong Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản với hàm lượng giới hạn là 0,1ppm.
Trước tình hình này, doanh nghiepj xuất khẩu thủy sản đang rất lo lắng bỏi họ không thể kiểm soát được Enrofloxacin trước khâu chế biến, trong khi hóa chất này vẫn được lưu hành tại các địa phương.
Theo
Vasep