Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bức tranh tương phản trên thị trường tôm và cá hồi
26 | 07 | 2011
Một sự chia rẽ hiện đang tồn tại giữa hai loại thuỷ sản được nuôi trồng lớn nhất trên thế giới là tôm và cá hồi Đại Tây Dương. Đầu năm 2011, giá hai mặt hàng này đều chạm mức kỷ lục trong lịch sử do nguồn cung căng thẳng và nhu cầu cao.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất cá hồi tăng cao trên toàn cầu có thể đẩy giá thu mua tại cửa trại của cá hồi giảm mạnh. Ngược lại, do những chiến lược sản xuất khôn ngoan, giá tôm sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn – trung hạn.

Chỉ trong vài tháng trước, giá cá hồi giao dịch với giá không dưới 6,42 Euro/kg, tương đương 9,25 USD/kg. Nhưng sau đó, giá cá hồi đã lao dốc, xuống mức 3,21 Euro/kg, tương đương 4,62 USD/kg.

Diễn biến trên thị trường tôm hoàn toàn ngược lại khi tại những thị trường lớn như Nhật Bản và Mỹ, trong tháng 6, người tiêu dùng phải trả tới 12 USD/kg, tương đương 8,33 Euro/kg, với mật hàng tôm sú cỡ 21 – 25 con/kg và tôm thẻ chân trắng cùng cỡ. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với năm 2008 – 2009 và tăng mạnh so với năm 2010.

Giá trên thị trường là biểu hiện cơ bản nhất của những nguyên tắc kinh tế - quy tắc cung – cầu trên thị trường.

Theo Gorjan Nikolik, phân tích viên cấp cao hợp tác với Rabobank, cho rằng giá cá hồi sẽ duy trì ở mức thấp trong suốt năm 2012 và phần lớn là do sự tăng trưởng sản xuất mạnh tại Chile, khi nước này bước vào thời kỳ phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh tàn phá ngành công nghiệp nuôi cá hồi tại nước này. Theo chuyên gia này, khi nhìn lại những dự đoán về sản lượng cá hồi của Chile trong vài tháng trước, cho rằng sản lượng sẽ đạt 180 ngàn tấn, sau đó tăng lên 200 ngàn tấn, mức dự đoán gần đây nhất là 205 ngàn tấn, tăng 57% so với năm 2010, cho thấy sự tăng trưởng mạnh trong sản xuất tại nước này.

Lần cuối cùng Chile trải qua quá trình tăng trưởng sản lượng vượt bậc như vậy là vào năm 2001, khi sản lượng lần đầu tiên tăng đến 60%, đạt mức 245 ngàn tấn cá hồi Đại Tây Dương. Tuy nhiên, một điều đáng nói khi so sánh tình hình năm 2001 và 2011 là hiện quy mô của phân khúc thị trường này đã lớn hơn 10 năm trước rất nhiều. Trong khi tăng trưởng cung toàn cầu năm 2011 đạt 10%, tăng trưởng cung của năm 2001 là khoảng 13%.

Ông Nikolik cũng tin rằng sản xuất cá hồi tại Na Uy sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2012, với mức tăng trưởng sản lượng khoảng 8 – 9%. Điều này cho thấy, tăng trưởng sản lượng cá hồi toàn cầu trong năm 2012 có thể đạt ít nhất 13%, cao hơn mức tăng trưởng 10% trong năm 2011. Tổng cộng mức tăng trưởng cung trong hai năm liên tiếp có thể vượt quá 25% và mức tăng trưởng cung này hẳn sẽ tạo nên một sức ép lớn lên giá cá hồi toàn cầu.

Những nhà phân tích khác dự đoán giá cá hồi sẽ giữ ở mức 3,85 Euro/kg, tương đương 5,55 USD/kg vào năm 2012 nhưng mức giá dự đoán của ông Nikolik còn thấp hơn mức giá trên. Năm 2012, giá cá hồi có thể chạm đáy do tăng trưởng sản xuất mạnh.

Diễn biến trên thị trường phụ thuộc vào việc Chile sẽ có khả năng duy trì tăng trưởng sản lượng trong bao lâu. Sản lượng cá hồi giống của nước này đang tăng nhanh chưa từng có nhưng do lợi nhuận, nông dẫn vẫn rải rác sử dụng nguồn cá giống chất lượng thấp. Mật độ hồ nuôi tại một số khu vực cũng dày đặc hơn. Những yếu tố này làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng đến môi trường.

Trong khi đó, ở khu vực sản xuất tôm, trong năm qua, nông dân nuôi tôm ở các nước sản xuất lớn đã phải đối mặt với dịch bệnh lan rộng, lũ lụt ở miền Nam Thái Lan, dịch bệnh bùng phát tại Indonesia và gần đây là tại Việt Nam. Nhưng những diễn biến này dường như không làm ảnh hưởng mạnh đến hoạt động thương mại.

Theo ông Nikolik, Thái Lan sẽ không có mức xuất khẩu mạnh như năm 2010, và có thể giảm 4 – 5% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc chắc chắn sẽ sụt giảm nhưng nước này không đứng trong top những nhà xuất khẩu lớn nhất. Việt Nam sẽ tăng trưởng xuất khẩu mạnh, theo sau là Indonesia. Đồng thời, Ấn Độ cũng có thể nổi lên với mức tăng trưởng xuất khẩu cao.

Ấn Độ đang nhanh chóng chuyển sang sản xuất tôm thẻ chân trắng và sản lượng đang tăng nhanh. Do đó, trong khi Thái Lan xuất khẩu ít hơn, nguồn cung từ các nước khác sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt này. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới sẽ không suy giảm, mặc dù có thể diễn ra tình hình căng thẳng cục bộ. Diễn biến giá sẽ tương đồng với năm 2010. Giá tăng vào tháng 7 – 8 trong năm 2010 và sẽ duy trì ở mức cao, phản ánh tình hình cung.

Điều quan trọng đối với các nhà sản xuất – xuất khẩu tôm là thị trường sẽ chấp nhận mức giá cao này. Tại cả hai thị trường châu Âu và Mỹ, kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh về giá trị, nhưng chỉ tăng nhẹ về lượng, cho thấy sự tăng giá mạnh.

Những điều này cho thấy hai bức tranh tương phản ở hai thị trường cá hồi và tôm. Trong khi giá cá hồi giảm do sản lượng tăng và giá quá cao ảnh hưởng đến nhu cầu cá hồi. Tại thị trường tôm, giá duy trì ở mức cao cho tới khi các nhà sẩn xuất tăng cường nguồn cung ra thị trường thế giới. Khuynh hướng trong dài hạn cần sự phân tích kỹ lưỡng hơn, tuy nhiên, trong ngắn – trung hạn, giá tôm sẽ duy trì ở mặt bằng giá mới này.

Kim Dung AGROINFO

Theo Seafood Source



Báo cáo phân tích thị trường