Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lợi nhuận ngành điều: Doanh nghiệp chỉ đơn thuần là gặp may?
27 | 07 | 2011
Theo các đại lý và các thương lái, các doanh nghiệp luôn nắm chắc rằng, mỗi kg điều xuất khẩu, họ sẽ có lời khoảng 30%

Gần đây, việc một công ty ngành điều chỉ trong 6 tháng đầu năm đã lãi gấp hơn hai lần cùng kỳ năm ngoái và vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm đã gây tranh cãi không ít cho thị trường. Vậy, có hay không việc doanh nghiệp ngành này chỉ đơn thuần là gặp may?

Giá cao

Trong năm nay, giá nông sản xuất khẩu nước ta tăng mạnh theo xu hướng chung của thế giới vì đồng USD yếu, nhu cầu mạnh trong khi nguồn cung thắt chặt. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), giá cà phê xuất khẩu 7 tháng đầu năm đã tăng 55%, giá cao su tăng 60%, giá hạt tiêu tăng 70% và giá hạt điều tăng 50%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, cao su, hạt tiêu tuy nhiên hưởng lợi không nhiều bởi giá xuất cao nhưng giá mua nguyên liệu trong nước cũng cao không kém, thậm chí còn cao hơn (trường hợp của cà phê hiện nay). Doanh nghiệp ngành điều trong khi đó được lợi nhờ cả nguồn nguyên liệu trong nước lẫn nhập khẩu đều rẻ hơn, trong khi giá xuất khẩu ra thị trường nước ngoài lại tăng không ngừng.

Theo dữ liệu của CafeF, giá điều khô nguyên liệu nước ta từ đầu năm tới nay phổ biến ở mức 35.000 - 38.000 đồng/kg, điều tươi dao động từ 22.000 – 30.000 đồng/kg. Giá điều nhập khẩu từ các khách hàng chủ chốt như Bờ Biển Ngà, Nigieria, Ghana, Mozambique, Tanzania, Guinee Bissau… phổ biến ở mức 1.500 – 1.800 USD/tấn. Trong khi đó, giá điều xuất khẩu của các doanh nghiệp 7 tháng đầu năm đạt bình quân 7.809 USD/tấn.

 

Nhu cầu mạnh

 

Ngay từ đầu năm, các chuyên gia và doanh nghiệp quốc tế trong ngành điều đã đưa ra một loạt các dự báo về thị trường năm 2011. Theo đó, nhu cầu nhập khẩu ở Mỹ, Nga, Trung Quốc, châu Âu…sẽ tăng mạnh bởi đây là loại thực phẩm ăn nhẹ rất được ưa chuộng nhờ hương vị đặc trưng và có lợi cho sức khoẻ.

Thực tế cũng đã chứng minh, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu điều nước ta sang các thị trường chủ lực đều tăng trưởng mạnh về kim ngạch, với Mỹ tăng 21% (chiếm 30%), sang Trung Quốc tăng 95% (chiếm 22%) và Hà Lan tăng 13% (chiếm 13% tổng kim ngạch

Lợi nhuận nắm chắc

Điều là mặt hàng khá xa xỉ so với thu nhập hàng ngày của người dân nước ta, vì thế tiêu thụ trong nước rất ít, doanh nghiệp chủ yếu chế biến phục vụ xuất khẩu.

Theo các đại lý và các thương lái, các doanh nghiệp luôn nắm chắc rằng, mỗi kg điều xuất khẩu, họ có lời khoảng 25 - 30%. Cụ thể là, mỗi kg điều nhân làm ra, chỉ cần có 3,2 – 3,4 kg điều khô, tức là để có được 8 USD thì họ chỉ phải bỏ ra 6 USD cho chi phí nguyên liệu cộng với phí sản xuất, doanh nghiệp vẫn có lãi trên 2 USD. Nhưng đó chỉ là phép tính trung bình, các doanh nghiệp có lợi ở chỗ phân loại, giá điều loại 1 (W240) đạt tới 10 USD/kg, điều loại 2, 3 (W320,W450) thì dao động từ 8 – 9 USD/kg.

Nguời trồng điều nước ta cũng biết rằng giá điều xuất khẩu năm nay cao hơn năm ngoái, nhưng giá sản phẩm họ làm ra lại không cao hơn. Họ không biết bản chất của giá xuất khẩu cao và nguyên liệu thấp là rơi vào lợi nhuận của công ty. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa khiến người dân trồng điều đang muốn từ bỏ loại cây này.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong năm nay, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều đã may mắn hơn hẳn mọi năm khi có được nguồn nguyên liệu ổn định, được hỗ trợ bởi các cơ quan chức năng, trong khi giá sản phẩm chế biến lại tăng không ngừng. Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Mã CK: LAF, sàn HOSE) là một điển hình về sản xuất kinh doanh thành công, khi đạt lợi nhuận lên đến 60 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và vượt gần 20% so với kế hoạch 50,19 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2011.

Phân tích như vậy để thấy rằng, rõ ràng doanh nghiệp ngành điều không chỉ nhờ may mắn mà thu được lợi nhuận cao, họ còn nắm rõ được tình hình ngay từ ban đầu và có chiến lược kinh doanh hợp lý để đạt thành quả khích lệ như 6 tháng qua.

Triển vọng lạc quan

6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã khá thuận lợi trong hoạt động kinh doanh. Các chuyên gia trong nước và quốc tế dự báo, 6 tháng cuối năm, thị truờng điều thế giới sẽ tiếp tục ổn định với giá duy trì mức cao và nhu cầu không giảm.

Ở thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng đang được hỗ trợ lớn về nguồn cung. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 102/2011/TT- BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng điều, giảm thuế từ 5% xuống còn 3% kể từ ngày 25/8, giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán nguyên liệu và nâng cao công suất.

Trước đó, đầu tháng 7, doanh nghiệp lo lắng vì hàng trăm container điều nhập khẩu bị ách tắc tại cảng do vướng mắc quy định mới về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nguồn gốc thực vật của Bộ NN&PTNT trong Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 1/7. Tuy nhiên, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã nhanh chóng yêu cầu các cơ quan chức năng cho giải tỏa số hàng mắc kẹt để giải quyết nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất phục vụ đơn hàng đã ký. Vinacas đồng thời tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép hoãn thời gian áp dụng thông tư 13 đến hết tháng 9.

Theo Cafef



Báo cáo phân tích thị trường