Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thực phẩm làm đảo chiều CPI
27 | 07 | 2011
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 1,17% so với tháng trước, trong đó giá thực phẩm tăng 3,2%, giá ăn uống ngoài gia đình tăng 1,78%.

Mặc dù giá lương thực giảm 0,88%, nhưng do giá thực phẩm, giá hàng ăn uống ngoài gia đình tăng cao, nên giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống 2,12% và đẩy giá tiêu dùng chung tăng cao hơn tháng trước (1,17% so với 1,09%) và cao nhất so với cùng kỳ trong 20 năm qua (tính từ năm 1992). Do tháng 7 tăng cao trở lại, nên sau 7 tháng, CPI đã tăng 14,61%.

Nếu từ tháng 1 đến tháng 4, tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng sau so với tháng trước có xu hướng cao lên, thì tháng 5, tháng 6 đã có xu hướng chậm lại. Xu hướng chậm lại này đã đem lại niềm vui và lòng tin của nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh, của các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, của người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Nhưng với tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 7 cao hơn của tháng 6 (1,17% so với 1,09%), thì tốc độ tăng giá tiêu dùng đã đảo chiều.

Như vậy, giá thực phẩm tăng cao là yếu tố chủ yếu làm cho xu hướng tăng giá tiêu dùng bị đảo chiều. Giá thực phẩm tăng cao do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do nguồn cung thực phẩm tăng thấp, có loại còn bị giảm (3 tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm năm trước đàn trâu giảm 3,9%, đàn bò giảm 5,2%, đàn lợn giảm 3,7%…).

Đàn trâu bò giảm chủ yếu do diện tích chăn thả bị thu hẹp. Đàn lợn giảm do ảnh hưởng của dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng làm trên 60.000 con bị chết và tiêu hủy; do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; do tỷ lệ hộ để trống chuồng tăng. Đây là tình trạng cần được chấn chỉnh, bởi người làm nông nghiệp mà không chăn nuôi lợn thì vừa không tận dụng được thức ăn thừa, sản phẩm phụ của trồng trọt; vừa không có nguồn phân hữu cơ làm giầu chất đất, phải chuyển sang dùng nhiều phân hóa học; vừa làm giảm nguồn thực phẩm chính; vừa làm giảm nguồn thu nhập bằng tiền chủ yếu của nông dân.

Giá thực phẩm tăng cao có nguyên nhân do Trung Quốc bị lạm phát cao, nhất là giá thực phẩm, nhiều doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam mua thực phẩm trả tiền ngay, với giá cao hơn… Ngoài ra còn có nguyên nhân do chênh lệch giá rất lớn từ người sản xuất đến giá bán tại chợ đầu mối, giá bán tại chợ lẻ và đến tay người tiêu dùng...

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường