Năm 2006, Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ: tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục ổn định ở mức cao khoảng 8,2%; Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 40 tỷ USD, tăng 22% so với năm ngoái. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 10 tỷ USD, và vốn cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đạt gần 4,45 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2006 còn là một năm của Thị trường chứng khoán với sự gia tăng mạnh về số lượng và chất lượng, hiện số giá trị vốn hoá trên thị trường đạt gần 10 tỷ USD, tương đương khoảng 15% GDP… Trong lĩnh vực đối ngoại, quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ song phương và đa phương không ngừng được củng cố và phát triển. Đây là những tiền đề quan trọng để nước ta vững bước vào năm 2007 – năm cho WTO.
Giảm 3% hộ nghèo - mức cao kỷ lục
Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ giảm nghèo theo chuẩn mới năm 2006 giảm xuống còn 19%, kế hoạch đề ra là 20%. Như vậy, tốc độ giảm số hộ nghèo năm nay đạt 3% - mức cao nhất từ trước tới nay (tốc độ bình quân giảm nghèo giai đoạn 2000 – 2005 là 2%/năm). Các địa phương, đặc biệt là các địa phương khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao đều có biện pháp tích cực trong chỉ đạo công tác xoá đói giảm nghèo, cho vay tín dụng phát triển sản xuất, kịp thời cứu đói các hộ nghèo… giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Tình trạng tái nghèo ở nhiều địa phương vùng cao, vùng sâu – vùng xa đã cơ bản được khắc phục. Theo ông Đỗ Trường Sơn - Chủ tịch huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, cách thức phối hợp chặt chẽ giữa 3 thành phần là chính quyền địa phương, tổ chức phi chính phủ và người dân đang được phát huy hiệu quả tại nhiều dự án xoá đói giảm nghèo ở địa phương.
Mục tiêu 2007, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống còn 16%; Nâng số tỉnh đạt chuẩn phổ cập Trung học cơ sở lên 40 tỉnh; Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 10%; Trung học chuyên nghiệp tăng 15%… Để thực hiện các mục tiêu này, Chính phủ đã quyết định đầu tư 900 tỷ đồng (tăng 12,5%) từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các mục tiêu và định hướng của chương trình 135 giai đoạn 2, chương trình 134 về hỗ trợ giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho các tỉnh có đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Thêm 2 thành viên cho Câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu năm 2006 đã xác lập kỷ lục mới với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt gần 40 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2005 và vượt gần 2 tỷ USD so với mục tiêu đề ra. Nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, dệt may, giày dép, thủy sản, hàng điện tử và máy tính… tiếp tục dẫn đầu về giá trị xuất khẩu dù trong năm qua có khá nhiều biến động về thị trường và các rào cản thương mại.
Theo bảng thành tích xuất khẩu, hàng dệt may tiếp tục đứng ở vị trí đầu tiên (trừ dầu thô) với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 5,9 tỷ USD, tăng 22% so với năm trước với thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ (đạt khoảng 2,7 tỷ USD), tiếp đó là Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản… Đặc biệt là mặt hàng giày dép, tuy bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường EU (chiếm tỷ trọng trên 50% giá trị xuất khẩu mặt hàng này) nhưng do chuyển hướng sang các thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc… nên giá trị xuất khẩu giày dép vẫn đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2005. So với năm 2005, "Câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD" đến cuối năm 2006 có thêm 2 thành viên mới, đó là mặt hàng cao su (1,3 tỷ USD) và cà phê (1,1 tỷ USD). Nhờ sự tăng giá đột biến, cao su đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,3 tỷ USD, tăng 64% so với năm 2005. Như vậy, kết thúc năm 2006, "Câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD" đã có 9 thành viên, gồm: thủy sản, cao su, cà phê, gạo, dầu thô, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử và linh kiện máy tính.
Tuy nhiên, 2/9 thành viên này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cần sớm được khắc phục trong năm 2007. Trước tiên là mặt hàng thuỷ sản, hiện nay Nhật Bản đang áp dụng mạnh các rào cản kỹ thuật về dư lượng chất kháng sinh đối với các mặt hàng mực và tôm xuất khẩu của nước ta. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành thuỷ sản cần sớm cải thiện cách thức nuôi trồng thuỷ sản theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp đó là mặt hàng cao su, mặc dù là thành viên mới của "Câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ", song vẫn còn bộc lộ tính thiếu bền vững. Phần lớn sản phẩm cao su của ta là xuất khẩu dưới dạng thô, mà chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, trong khi, nước ta vẫn phải nhập khẩu cao su thành phẩm về để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả xuất khẩu của một số thành viên "Câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ" khác cũng cần phải chú ý như : đồ gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD nhưng lại phải chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu 80% nguyên liệu vì trong nước chỉ đáp ứng được 20%; dệt may cũng phải nhập khẩu 65% nguyên phụ liệu, giày dép cũng tương tự thế ... Như vậy, vấn đề tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta sẽ là một trong những thách thức cần được lưu ý nhiều hơn nữa trong năm 2007. Đặc biệt là khi xuất khẩu luôn đóng góp hơn 1 nửa vào tổng GDP.
Vốn FDI đạt trên 10 tỷ USD
Tính đến nay, nguồn vốn đầu trực tiếp nước ngoài – FDI đăng ký mới và bổ sung đạt khoảng 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ nước tới nay, và cũng vượt xa so với kế hoạch dự kiến ban đầu cho cả năm là 6,5 tỷ USD. Nhiều dự án tăng vốn với qui mô lớn như : Công ty Intel Products Việt Nam vốn tăng thêm 395 triệu USD, Công ty TNHH công nghiệp gốm Bạch Mã (Việt Nam) tăng thêm 150 triệu USD, Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam tăng thêm 98 triệu USD, Công ty VMEP tăng thêm 93,6 triệu USD, Công ty TNHH Canon Việt Nam tăng thêm 70 triệu USD …. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH – ĐT, nói: "Đây là cố gắng của Chính phủ chúng ta trong việc hợp tác song phương và đa phương nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam".
Hiện nay, cả nước có trên 6.760 dự án đang có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 59 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 7 vạn lao động. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn đóng góp tới 22,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 42,5% so với năm 2005. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, nhân viên Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI đã cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Điều này đã tác động không nhỏ tới quan điểm đào tạo nguồn nhân lực trong nước hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Những con số này có thể minh chứng về triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong 5 năm tới là rất sáng sủa. Trong tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2006 tại Hà Nội, có khoảng 1.200 nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kết quả là hàng loạt thoả thuận hợp tác đầu tư trị giá lên tới 2 tỷ USD được ký kết, đó là chưa tính đến những cam kết của nhiều nhà đầu tư sau khi khảo sát về các điều kiện đầu tư tại Việt Nam. Các chuyên gia phân tích kinh tế quốc tế cho rằng, trong thời gian tới nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ mở rộng sang khu vực các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ, chứ không chỉ tập trung ở các nhà đầu tư châu Á như hiện nay. Theo kết quả nghiên cứu điều tra mới đây của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) về triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trong 3 năm tới: "Việt Nam đang đứng thứ 3 trong danh sách 10 nước có triển vọng nhất đối với các hoạt động kinh doanh hải ngoại trung hạn của các doanh nghiệp Nhật Bản, tăng một bậc so với năm ngoái và lần đầu tiên vượt qua Thái Lan".
Thêm 4,45 tỷ USD vốn ODA cho năm 2007
Cam kết vốn hỗ trợ phát triển chính thức – ODA cho Việt Nam năm 2007 đạt gần 4,45 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay, đã thể hiện sự tin tưởng cao của các nhà tài trợ quốc tế về những nỗ lực cải cách phát triển kinh tế của nước ta.
Mặc dù, nguồn vốn ODA giải ngân 2006 đạt khoảng 1,78 tỷ USD, là năm thứ 2 liên tiếp vượt kế hoạch đề ra, song tốc độ giải ngân vốn ODA của nước ta còn chậm hơn so với các nước trong khu vực. Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Klaus Rohland cho biết "rất mong Chính phủ có giải ngân tốt hơn. Không phải chỉ vì các nhà tài trợ quốc tế muốn rót tiền cho nhanh mà điều quan trọng là giải ngân sẽ dẫn tới đầu tư. Tất cả mọi đầu tư càng trì hoãn thì càng lâu thu được lợi ích". Một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ tốc độ giải ngân là do tình trạng quan liêu của một bộ phận cán bộ Nhà nước nên việc ra quyết định liên quan đến quá nhiều phòng ban, quá nhiều người, mất nhiều thời gian và cũng là liên quan đến sự e ngại không muốn phải lãnh chịu rủi ro.
Mục tiêu đến năm 2010, tổng vốn ODA giải ngân đạt khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, vốn ODA sẽ được ưu tiên cho các công trình hạ tầng quy mô lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến giao thông liên vùng (tuyến Bắc Nam), hai hành lang một vành đai kinh tế, trục giao thông Đông - Tây, giao thông đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam … Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết tiếp tục thúc đẩy nhanh quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, lành mạnh hoá các ngân hàng thương mại, đẩy nhanh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng.
Vốn trên TTCK đạt 15% GDP
Năm 2006 được đánh giá là một năm với những chuyển biến to lớn trên thị trường chứng khoán trong nước, tổng giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán đạt xấp xỉ 10 tỷ USD, tương đương 15% so với tổng GDP, trong khi mục tiêu đề ra chỉ là 6% GDP. Trên cả 2 trung tâm giao dịch chứng khoán Tp. HCM và Hà Nội có khoảng 150 cổ phiếu của doanh nghiệp niên yết và giao dịch. Kết quả này phần nào chứng minh được một nhu cầu mới của nền kinh tế - nhu cầu cần công khai, minh bạch hoá thông tin để thu hút vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đang đặt ra không ít thách thức về cả chính sách và cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phát triển thị trường chứng khoán.
Năm qua, giới đầu tư chứng khoán nước ta đã chứng kiến sự thăng trầm của thị trường chứng khoán - một loại thị trường nhạy cảm nhất của bất kỳ một nền kinh tế nào trên thế giới hiện nay. Từ thời điểm tháng 5/2006, khi chỉ số VN-Index giảm xuống dưới 300 điểm cho đến cơn "sốt" chứng khoán hồi trung tuần tháng 12 năm 2006 vừa rồi với chỉ số VN-Index đạt trên 800 điểm đã cho thấy tính phức tạp của thị trường. Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, một trong những nguyên nhân chính là tính "phong trào" của các nhà đầu tư tư nhân thiếu chuyên nghiệp đã tạo nên sự "nóng - lạnh" thất thường của thị trường chứng khoán.
Một nguyên nhân khác là sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, với số vốn lên tới hàng 100 triệu USD - mức vốn này có thể làm lay chuyển giá của một cổ phiếu tăng hay giảm. Cuối cùng là sự lên sàn của nhiều doanh nghiệp lớn Nhà nước như : Công ty cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk, Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh, Công ty cổ phần thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh ..v..v.. đã góp phần giúp thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ hơn.
Bắt đầu từ 1/1/2007, Luật chứng khoán chính thức có hiệu lực đây là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh tất cả các hoạt động liên quan đến thị trường chứng khoán. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết: Với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán như trong thời gian vừa qua, thì mục tiêu nâng quy mô thị trường chứng khoán lên tới mức khoảng 20-30% GDP vào năm 2010 đang dần trở thành hiện thực. Năm 2007 sẽ là một năm quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu này.
Việc ngày 7/11/2006, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới – WTO ( chính thức là ngày 11/1/2007) và Việt Nam tổ chức thành công APEC Việt Nam 2006 với sự tham gia của 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong 2 ngày 18-19 tháng 11 năm 2006 với chủ đề: "Hướng tới một cộng đồng năng động vì Phát triển bền vững và Thịnh vượng" một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao và tin tưởng của bè bạn quốc tế về mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn nữa của nước ta.
Tất cả những thành tựu của năm 2006 là những nền tảng quan trọng để nước ta vững bước thực hiện nhiệm vụ năm 2007 trong điều kiện là thành viên của WTO./.
Một số mục tiêu chính của năm 2007 Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,2-8,5%, tương đương khoảng 70 tỷ USD; GDP bình quân đầu người khoảng 820 USD;
Tổng kim ngạch xuất khẩu 46,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2006;
Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 15,5%;
Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó có khoảng 1,3 triệu lao động mới;
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm xuống còn 5,2%;
Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 27,5% năm 2006 dự kiến tăng lên 30% năm 2007.