Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khó bình ổn giá thực phẩm
03 | 08 | 2011
Đó chính là nhận định của nhiều đại biểu tham dự cuộc họp bàn “Tìm giải pháp bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi” do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM ngày hôm qua (2.8).

Không đủ lực để bình ổn

Ông Trần Tấn An -Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản (Vissan), bức xúc: “Thành phố bắt chúng tôi bình ổn giá bán lẻ thịt heo ra thị trường, trong khi phần gốc là heo hơi thì lại thả nổi, không ai bình ổn. Chính vì thế, thời gian qua chúng tôi đang phải chịu lỗ rất nhiều”. Ông dẫn chứng, heo hơi Vissan mua 62.000 – 64.000 đồng/kg. Giá thành phẩm sau khi giết mổ, xẻ thịt đã gần 80.000 đồng/kg, chưa tính các chi phí khác. Trong khi giá bán lẻ bình ổn ra thị trường chỉ có 82.000 đồng/kg nên doanh nghiệp không thể trụ được lâu.

Các doanh nghiệp phản ánh rằng, giá thực phẩm thời gian qua tăng mạnh là do chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi (TACN), con giống, điện, nước, nhân công, lãi suất ngân hàng… tăng cao, từ 30 – 40% so với năm 2010. “TACN 7 tháng qua tăng 7 lần, có tuần tăng tới 2 lần. Nhưng 2 tuần qua, giá nguyên liệu TACN đã giảm trên 5% mà có nhà máy nào “động đậy” giảm giá đâu? Bình ổn chăn nuôi mà không bình ổn được giá TACN là thua” – ông Nguyễn Chí Công, chủ trang trại nuôi heo tại Đồng Nai bức xúc.

Giá bán thực phẩm thời gian qua tăng mạnh theo bà Nguyễn Thị Lệ Hồng - Tổng Giám đốc Proconco, không chỉ do chi phí sản xuất tăng cao mà còn do tác động của quy luật cung – cầu trên thị trường. “Thực tế vừa qua cho thấy chênh lệch giữa chi phí sản xuất và giá bán lẻ quá lớn, trên 50%. Giá thành heo hơi 7 tháng qua tăng chỉ có 20% nhưng giá bán lẻ ra thị trường tăng tới 60 – 80%, chính là do tác động của quy luật cung cầu, mà điều này chúng ta không thể can thiệp được nên cũng khó bình ổn”.

Bình ổn từ cái gốc

Các đại biểu dự cuộc họp đều phản ánh rằng cách thức bình ổn hiện nay chỉ mới chạm tới phần ngọn mà chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề. “Tại sao vốn bình ổn có hỗ trợ lãi suất nhà nước chỉ mới đưa cho các công ty thương mại mà không đưa trực tiếp cho người chăn nuôi?” – ông Chí Công đặt câu hỏi.

Theo ông Chung Kim - Tổng Giám đốc Công ty Kim Long, (Bình Dương), muốn bình ổn được phải làm từ cái gốc, giải quyết được các vấn đề: Dịch bệnh, giá đầu vào và quy hoạch vùng. Hiện nay, toàn ngành vẫn chưa có một quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung nào.

Ông Trần Tấn An - Phó Tổng Giám đốc Vissan nhận định rằng giá thịt heo từ nay đến tháng 11 sẽ không tăng nữa, vì giá hiện nay đã “kịch trần” vượt quá sức chịu đựng của người dân. Nhưng từ tháng 11 đến Tết, nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ vì khi đó nhu cầu tiêu thụ heo vào dịp Tết tăng cao.

Ngoài ra, theo các đại biểu phản ánh các chính sách đầu tư phát triển chăn nuôi chưa “chạm” tới người chăn nuôi được. “Đầu tư cho chăn nuôi còn quá mỏng, mới chỉ từ 4 – 7%. Ngay cả Nghị định 61/2010/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích đầu tư nông nghiệp cũng không sát thực tế khi mà chỉ hỗ trợ cho những vùng đặc biệt khó khăn trong khi hiện nay thử hỏi cả vùng Đông Nam Bộ, thủ phủ nuôi heo của cả nước này, còn có chỗ nào khó khăn để được hưởng ưu đãi?” - bà Hồng đặt vấn đề.

Theo đề xuất của Cục Chăn nuôi, để giảm chênh lệch thiếu hụt cung cầu giữa hai miền, từ nay đến cuối năm, Cục sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển các sản phẩm thịt lợn và thịt gia cầm từ miền Nam ra tiêu thụ ở thị trường miền Bắc.

Ngoài ra, Cục Chăn nuôi cũng yêu cầu các địa phương xem xét trợ giá giống để các hộ chăn nuôi tái đàn và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi theo Nghị định 61, cho phép các trang trại, các HTX chăn nuôi, dịch vụ chế biến sản phẩm chăn nuôi được hưởng ưu đãi khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường