Để giá thịt heo, gà không tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kêu gọi doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không nên tăng giá bán để giúp Chính phủ bình ổn các mặt hàng này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng muốn bình ổn được thì Chính phủ phải thay đổi chính sách hiện nay thay vì kêu gọi doanh nghiệp không tăng giá bán.
Mọi thứ đều tăng giá
Tại buổi họp tìm giải pháp bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 2-8 tại TPHCM, đại diện công ty CP Việt Nam cho rằng, giá thịt heo tăng nhanh trong thời gian qua là do trước đó dịch bệnh trên đàn heo bùng phát mạnh khiến một lượng heo thịt cung cấp cho thị trường giảm, có thể trong những tháng cuối năm nguồn cung thịt heo sẽ không đáp ứng nhu cầu thị trường nên giá thịt heo có thể tăng.
Cũng theo ông này, giá thịt heo tăng cao do giá thành như lãi suất, nguyên liệu đầu vào đều tăng. Vấn đề này không riêng gì Việt Nam mà cũng diễn ra ở nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch HĐQT công ty Proconco, trong 6 tháng đầu năm 2011, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng giá 7 lần vì nguyên liệu đầu vào cũng tăng 7 lần.
Tuy nhiên theo bà Hồng, giá thịt heo trên thị trường tăng cao chưa hẳn do giá thức ăn chăn nuôi tăng.
“Từ tháng 7 đến nay, chi phí cho nuôi heo tăng 14%, gà tăng 12%, các chi phí vận tải tăng 30% nhưng giá bán sản phẩm tăng 60-70%. Như vậy, giá thịt heo, gà tăng lên nhiều hơn giá thức ăn chăn nuôi. Vậy không thể đổ lỗi cho chuyện tăng giá thức ăn chăn nuôi nên đẩy giá bán sản phẩm chăn nuôi tăng được”, bà Hồng nói.
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, giá heo cao do hậu quả của ngành nông nghiệp không quan tâm đến chăn nuôi.
“Khi giá thịt heo xuống còn 27.000- 28.000 đồng/kg, không bao giờ có cuộc họp bàn cho giá lên, nhưng giá cao lại có họp khẩn cấp để kéo giá xuống và điều này liệu có công bằng cho người chăn nuôi?”, ông Bình nói.
Cần giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế xuất khẩu
Theo ông Bình, để tránh giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng liên tục như thời gian qua, Chính phủ cần phải đánh thuế xuất khẩu nguyên liệu, cụ thể là nguyên liệu khoai mì.
“Nếu thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô (bắp), đậu nành... là 5% thì thuế xuất khẩu khoai mì cũng phải đánh thuế 5% để hạn chế xuất khẩu, lúc đó, doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong nước có thể mua được nguyên liệu trong nước để sản xuất”, ông Bình kiến nghị.
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng giám đốc công ty Japfa cho rằng, vấn đề quan trọng là làm sao giảm được giá thành chăn nuôi, vậy nên chăng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần can thiệp để thuế suất nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về 0%.
Nếu làm được như vậy thì chi phí nuôi heo giảm khoảng 250.000 đồng/con. Ngoài ra, theo ông Trung để bình ổn nguyên liệu, Chính phủ cần hỗ trợ tín dụng, lãi suất để doanh nghiệp mua được nguyên liệu đầu vào khi giá thấp với số lượng lớn.
“Hiện giá nguyên liệu sản xuất thức ăn đầu vào trên thị trường đang ở mức thấp, nếu doanh nghiệp có nguồn vốn lớn có thể mua về tạm trữ để sản xuất thức ăn trong 4- 5 tháng thì chắc chắn giá thức ăn chăn nuôi trong những tháng cuối năm sẽ không tăng”, ông Trung cho hay.
Song ông Nguyễn Chí Công, chủ trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai, cho rằng nhiều công ty sản xuất thức ăn lấy lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên phải tăng giá bán nhưng hai tuần nay, giá nguyên liệu chế biến thức ăn giảm mà giá bán của các nhà máy sản xuất thức ăn không giảm thì khó kêu gọi các cơ sở chăn nuôi hạ giá bán thịt heo trên thị trường.
“Lâu nay, để bình ổn thị trường, nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thương mại mà không hỗ trợ cho nhà chăn nuôi. Như vậy là không ổn vì khi đưa tiền cho doanh nghiệp thương mại, lúc giá thấp họ tung tiền ra mua để sau đó bán hàng khi giá cao, điều này chỉ có người chăn nuôi thiệt”, ông Công nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện giá con giống chăn nuôi ở Việt Nam cao, trong khi, Thái Lan giá con giống chỉ bằng một nửa. Cụ thể, giá gà giống một ngày tuổi bán tại Việt Nam từ 26.000 -28.000 đồng/kg, còn ở Thái Lan giá chỉ 13.000 -14.000 đồng/con.
Do đó, chính phủ cần cho nhập khẩu con giống để giúp người nuôi giảm chi phí đầu tư xuống. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm quy hoạch vùng trồng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, và sớm đưa cây trồng biến đổi gen như bắp, đâu nành vào trồng đại trà để không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay.
Theo các doanh nghiệp muốn ổn định giá thịt heo, gà trên thị trường thì cần phải làm một lúc nhiều việc chứ không thể kêu gọi doanh nghiệp hạ giá bán để bình ổn thị trường như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang kêu gọi.
Theo Ngọc Hùng
TBKTSG