Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Để người Việt gần hơn với hàng Việt"
30 | 07 | 2011
Ngày 29-7, tại Hà Nội, Báo Đại Đoàn Kết phối hợp với Bộ Công Thương, Báo Nhân Dân, Đài truyền hình Việt Nam đã tổ chức tọa đàm Tự hào thương hiệu Việt lần II với chủ đề "Để người Việt gần hơn với hàng Việt”.
Đây là lần thứ hai tọa đàm Tự hào thương hiệu Việt được tổ chức (lần thứ nhất tổ chức năm 2009), nhằm tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước trở thành hiện thực sinh động, phát huy hiệu quả. Xét trên các phương diện, nhà nước, doanh nghiệp, người dân đều có sự phát triển, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên dùng hàng Việt và an tâm hơn khi dùng hàng Việt. Còn xét về phân phối, cả bề rộng và bề sâu, hàng Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn tại các siêu thị. Hàng Việt đang mở rộng các thị phần vùng sâu, vùng xa...Đó là những kết quả rất đáng mừng. 
TS. Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng nhận định: Sau hai năm, phong trào đã ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn về cả chiều rộng và chiều sâu. Từ hơn 70% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng ngoại, đến nay gần 60% người tiêu dùng xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, để cuộc vận động được bền vững hơn, chúng ta cần chú trọng vào thị trường nông thôn. Theo thống kê, hiện nay, vẫn còn tới 80% thị trường nông thôn rộng lớn chưa được khai thác hết. Đây là bài toán không dễ, đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực của toàn xã hội, sự chung tay của doanh nghiệp, các hiệp hội và các nhà quản lý.
Về vai trò của khâu phân phối trong việc đưa hàng hóa và kích cầu tiêu dùng hàng Việt ở nông thôn, bà Mai Khuê Anh – Giám đốc điều hành Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) phân tích: Phía doanh nghiệp rất cần nghiêm túc lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Thực tế qua các phiên chợ Việt, người nông dân từng bước có nhận thức đúng đắn hơn về hàng Việt, kể cả khả năng sản xuất, cung ứng và chất lượng, giá cả của hàng hóa. Điều gây trở ngại lớn nhất là bà con vẫn có tâm lý nghi ngại rằng hàng đưa về nông thôn là hàng thứ phẩm. Vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân hiểu. Việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn cần phải được đầu tư chiều sâu nhằm tạo kênh bán hàng quan trọng phục vụ bà con nhân dân tại các huyện ngoại thành, tạo tiền đề cho chương trình phát triển các điểm bán hàng cố định tại các huyện trong chiến lược phát triển hệ thống hạ tầng thương mại tại các xã, huyện.
Nhiều tham luận tại toạ đàm còn cho rằng: hiện nay hàng Việt Nam chất lượng cao rất phong phú mà bản thân nhiều người Việt Nam còn chưa biết tới, do vậy cần hơn nữa những chương trình, những buổi tọa đàm, những buổi tôn vinh doanh nghiệp để người Việt biết đến hàng Việt.
Cùng với buổi toạ đàm "Để người Việt gần hơn với hàng Việt",  Báo Đại Đoàn Kết cùng các đơn vị phối hợp thực hiện còn tổ chức Chương trình Tự hào thương hiệu Việt lần II, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam vào 8h30' tối mai (30/7) nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo cpv.org


Báo cáo phân tích thị trường