Tỉnh Trà Vinh hiện là xứ sở độc quyền đối với trái dừa sáp đặc sản. Tuy nhiên theo người dân ở địa phương này, trái dừa sáp chỉ đạt yêu cầu về chất lượng khi nó được trồng tại các vùng đất thuộc huyện Cầu Kè.
Ông Trần Văn Lực, cán bộ nông nghiệp xã Hoà Tân – nơi tập trung phần lớn diện tích trồng dừa sáp của huyện Cầu Kè, cho biết, Hoà Tân có khoảng 1.000ha dừa sáp, chiếm hơn 70% tổng diện tích vườn trồng các loại dừa trong xã. Do giống dừa sáp chỉ mới phát triển mạnh trong những năm gần đây nên diện tích dừa sáp cho trái hiện tại mới chỉ đạt khoảng 25 – 30% trong tổng số. Đây là nguyên nhân khiến giá dừa sáp tại vùng này luôn tăng giá.
Với khoảng 22.000 cây dừa sáp hiện có và khoảng 30% trong số này đang cho trái, mỗi năm địa phương cũng chỉ thu được khoảng 1,5 triệu trái dừa, trong đó có khoảng 20% trái đảm bảo chất lượng như mong muốn (đặc ruột). Năm nay, theo ngành nông nghiệp Trà Vinh, sản lượng dừa sáp lại giảm đi 35% so với các năm do điều kiện thời tiết thất thường. Giá dừa sáp hiện tại đã tăng thêm 50.000 – 80.000 đồng/trái so với thời điểm đầu tháng 5.
Giá dừa sáp tăng cao đã phát sinh tình trạng trộm dừa khi trái dừa chưa đủ tuổi thu hái. Ông Thạch Phu My, chủ nhiệm hợp tác xã dừa sáp Hoà Tân cho rằng, vấn đề không quá lớn nhưng làm nảy sinh tâm lý lo ngại cho người trồng dừa, họ sẽ phải hái dừa chưa đúng tuổi vì lo sợ mất trộm – đặc biệt là trong những thời điểm giá dừa tăng cao, làm cho dừa sáp vốn ít ỏi về sản lượng nay lại nhiều nguy cơ giảm sút chất lượng. Ngoài tổ chức sản xuất giống, phát triển diện tích vườn trồng dừa sáp, hợp tác xã Hoà Tân còn đảm trách việc thu mua sản phẩm cung ứng cho viện Nghiên cứu cây có dầu và các đối tác trong, ngoài tỉnh, TP.HCM. Ông My cho biết, mỗi tháng đơn vị này có thể thu mua được vài chục đến vài trăm trái dừa tuỳ mùa vụ. Nhưng trong thời điểm giá dừa ở mức cao này khả năng thu mua giảm xuống mức thấp nhất do sản lượng chung giảm và số lượng dừa bị loại qua kiểm tra cho thấy chưa đạt chất lượng.
Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp địa phương cũng không khỏi lo ngại khi mục tiêu hướng tới của ngành là xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loại đặc sản “độc nhất vô nhị” của địa phương này.
Theo SGTT