Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người tiêu dùng thiệt thòi do giá đường cao
30 | 08 | 2011
Các nhà máy đường đang thu lợi lớn trong khi người tiêu dùng bị thiệt thòi do giá đường quá cao. Từ cuối năm trước đến nay, giá đường luôn đứng ở mức trên 20.000 đồng/kg. Dù năm nay nhiều thời điểm lượng đường tồn kho trong nước khá cao, nhưng giá đường bán lẻ vẫn không giảm.

Hiện nay vụ mía đường mới trong nước đã bắt đầu, lượng đường các nhà máy bán ra từ ngày 11.7 - 15.8 là 144.900 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 23.100 tấn. Lượng đường các đơn vị đã mua nhưng còn gửi tại kho nhà máy khoảng trên 50.000 tấn. Như vậy có thể thấy đường không thiếu nhưng giá đường vẫn tăng lên.

Mặc dù Hiệp hội Mía đường Việt Nam hồi tháng 6 đã tính toán giá bán đường ở mức 18.000 đồng/kg là đã có lãi nhưng thực tế giá đường trong tháng qua đã tiếp tục tăng từ 500 -1.000 đồng/kg, giá bán đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại kho nhà máy phổ biến từ 19.000 - 19.500 đồng/kg. Trên thị trường bán lẻ, giá đường cũng ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg.

Điều đáng lo là do lượng đường luân chuyển cuối vụ ít đi nên dễ xảy ra sốt giá vào tháng 10, 11 và xuất hiện các hiện tượng đầu cơ và đẩy giá đường lên cao. Với việc bán đường giá cao, cộng thêm tình trạng đầu cơ tích trữ trên thị trường, người tiêu dùng đang phải chịu thiệt. Thời điểm cuối năm luôn là cao điểm tiêu thụ đường, lúc đó việc kềm giá mặt hàng này sẽ là điều rất khó.

Ngoài hạn ngạch nhập khẩu chính thức Bộ Công Thương đã cấp phép là 250.000 tấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề xuất cho nhập bổ sung thêm 50 ngàn tấn trong năm 2011. Thế nhưng khi lượng đường trong nước tồn kho lớn, các doanh nghiệp mía đường đã kiến nghị Bộ Công Thương dừng nhập khẩu đường để giữ giá và lập tức đề nghị này đã được đáp ứng.

Sau khi nhận được sự hậu thuẫn này, các nhà máy lại xuất bán đường qua Trung Quốc, tạo áp lực tăng giá đường trong nước. Để ngăn chặn giá đường tăng cao, Bộ Công Thương đã đồng ý cho nhập khẩu đường trở lại theo hạn ngạch đã cấp.

Nhưng có lẽ việc nhập khẩu đường trở lại trong lúc này đã không còn hiệu quả. Bởi lẽ vào lúc giá đường thế giới đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng, thì chúng ta lại ngừng nhập khẩu. Đến bây giờ giá đường thế giới ở mức cao, việc nhập khẩu để kềm chế giá trong nước sẽ vô ích.

Hiện giá đường thế giới ở mức 770 đô la/tấn cộng thêm chi phí vận chuyển, phân phối thì giá đường cập cảng Việt Nam vào khoảng 960 đô la/tấn, tức là còn cao hơn cả giá bán đường trong nước.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường