Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cá tra: Giá tăng, căng thẳng nguyên liệu
22 | 09 | 2011
“Dù giá cá nguyên liệu đã tăng mạnh trở lại nhưng người nuôi vẫn không có để bán vì cá nguyên liệu chờ thu hoạch hiện còn rất ít. Sắp tới, chắc chắn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu sẽ còn căng thẳng hơn nữa”, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) Lê Chí Bình cho hay.

Giá tăng, mua cả cá quá lứa

Sau một thời gian dài giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL lao dốc mạnh thì hiện đã đảo chiều tăng mạnh trở lại. Giá tăng, cá tra nguyên liệu quá lứa vốn bị các doanh nghiệp chê ỏng chê eo trước đây cũng được các nhà máy chế biến xuất khẩu thu gom.

So với những ngày cuối tháng 8, hiện giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, nhiều nơi cá nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có giá lên đến 25.500 - 26.500 đồng/kg so với xấp xỉ 20.000 - 21.000 đồng/kg trong một thời gian dài từ tháng 5 tới tháng 8 năm nay.

Dù giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại nhưng so với mức giá đỉnh được xác lập ở những ngày cuối tháng 5 – thời điểm trước khi giá cá tra lao dốc thê thảm - hiện vẫn thấp hơn từ 2.000 - 2.500 đồng/kg.

Tại thị trường An Giang, cá nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có trọng lượng 800 - 900 gam trở xuống, có giá lên đến 26.000 - 26.500 đồng/kg (tùy nơi); từ 25.000 - 25.500 đồng/kg đối với cá tra nguyên liệu có chất lượng xấu hơn, nhưng cùng khối lượng.

Đặc biệt, đối với cá tra nguyên liệu quá lứa (có trọng lượng từ 1kg/com trở lên), ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) cho biết: “Nếu như vào thời điểm cuối tháng 8, bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ, thì ngay những ngày giữa tháng 9 này, cá quá lứa cũng được các nhà máy chế biến thu mua, tuy giá còn thấp, chỉ từ 22.000 - 23.000 đồng/kg”.

Tại Đồng Tháp, giá cá tra nguyên liệu dù thấp hơn tại thị trường An Giang, chỉ 25.000-25.500 đồng/kg, nhưng so với đầu tháng 9 đã tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg. Cụ thể, các tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (trọng lượng 900 gam trở xuống) có giá 25.000 - 25.500 đồng/kg (tùy nơi); cá thịt vàng, thịt hồng cũng tăng thêm 500 - 1.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ giá nguyên liệu cũng đã tăng trở lại sau một thời gian dài tuột dốc.

Trao đổi với người viết về nguyên nhân cá tra tăng mạnh trở lại, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Cá tra nguyên liệu tăng mạnh trở lại là do các nhà nhập khẩu tại thị trường  EU, Mỹ…, tăng cường nhập khẩu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Noel và năm mới sắp đến; trong khi đó, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu nội địa hiện còn rất ít”.

Một dẫn chứng được ông Nguyên đưa ra để chứng minh nguồn nguyên liệu đang thiếu hụt là tại huyện Châu Phú - nơi chiếm diện tích thả nuôi cá tra lớn nhất An Giang - cũng chỉ còn khoảng 10-20% diện tích ao, bè còn nuôi trên tổng diện tích toàn vùng.

Người nuôi ngó lơ

Từ đầu tháng 9 đến nay, cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng mạnh trở lại, nguồn cung phục vụ chế biến xuất khẩu đang rất là khan hiếm. Thế nhưng, bà con nông dân vẫn ngó lơ (không muốn thả nuôi lại), nếu không muốn nói là một bộ phận nông dân nuôi cá quay lưng với nghề nuôi cá tra.

Anh Dương Văn Điền ở xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, An Giang cho biết, lúc giữa tháng 7, sau nhiều lần năn nỉ thương lái đến cân (mua) 2 héc ta cá tra, sau khi trừ chi phí anh lỗ trên 300 triệu đồng. “Thua! Vốn liếng đâu nữa mà nuôi, nếu có tôi cũng chẳng dám thả nuôi nữa đâu”, anh Điền lắc đầu nói.

Nhiều địa phương khác như Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, bà con nuôi cá tra đã không còn mặn mà với nghề bởi càng nuôi càng lỗ.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch AFA cho biết: “Dù giá cá nguyên liệu đã tăng mạnh trở lại, nhưng người nuôi vẫn không có để bán vì cá nguyên liệu chờ thu hoạch hiện còn rất ít. Sắp tới, chắc chắn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu sẽ còn căng thẳng hơn nữa”.

Một bộ phận nông dân muốn nuôi cá tra trở lại thì cũng đang gặp khá nhiều khó khăn, do vốn đầu tư đã cạn kiệt, ngân hàng thì không “mặn mà” với đối tượng vay phục vụ cho sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt đối với nuôi cá tra -  nghề nuôi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Một dẫn chứng khác được ông Nguyễn Hữu Nguyên đưa ra để khẳng định sắp tới cá tra nguyên liệu sẽ còn căng thẳng là vì số lượng con giống cá tra phục vụ tái sản xuất đang trong tình trạng thiếu hụt, số lượng con giống bị chết ở các cơ sở nhân giống gần đây là rất lớn.

“Việc các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trước đây hay tuyên bố đã chủ động được từ 30-50% nguồn nguyên liệu khi giải thích giá cá của nông dân bị giảm chỉ là một động thái nhằm tạo cớ để hạ giá mua nguyên liệu của bà con nuôi cá tra”, ông Nguyên nói.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường