Cùng với giá hạt tiêu tăng cao, giá Cà phê ngày 23-9 được các doanh nghiệp, đại lý thu mua vào với giá 44.600 đồng/kg, nhưng trong gần một năm qua giá Cà phê luôn ở mức cao trên dưới 50.000 đồng/kg, khiến nông dân ở tỉnh Đắk Nông và các tỉnh trong khu vực ồ ạt phá rừng để mở rộng diện tích cây hồ tiêu và Cà phê.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, từ đầu năm 2011 đến nay, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã trồng mới được 534 ha hồ tiêu, tăng 207 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, địa phương có diện tích cây hồ tiêu trồng mới nhiều nhất là huyện Đác Song với 378 ha, kế đến là huyện Krông Nô 45 ha, Cư Giút 40 ha, Đác Glong 20 ha…
Về diện tích Cà phê, toàn tỉnh trồng mới được 861 ha, trong đó địa phương dẫn đầu là huyện Đác Song 196 ha; huyện Tuy Đức 173 ha; huyện Đác R’lấp 159 ha; huyện Đác Glong 150 ha…
Hiện nay, mặc dù đang vào giai đoạn giữa và cuối mùa mưa ở Tây Nguyên năm 2011, nhưng tại nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Nông, tình trạng phá rừng lấy cây rừng làm trụ tiêu và lấy đất trồng hồ tiêu và Cà phê vẫn diễn ra hết sức nóng bỏng.
Số liệu tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết: từ tháng 9-2010 đến tháng 9-2011, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã phát hiện lập biên bản xử lý gần 1.000 vụ vi phạm lâm luật, làm hơn 350 ha rừng bị “xoá sổ”. Trong đó, riêng trong chín tháng đầu năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra gần 300 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại hơn 200 ha rừng tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy Đức, Đác Glong, Đác R’lấp, Krông Nô…
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức Lê Văn Tường cho biết: “Từ tháng 5 đến nay, mỗi tháng trên địa bàn huyện xảy ra hàng chục vụ phá rừng trái phép để lấy đất trồng Cà phê, hồ tiêu, cao su. Mặc dù, Hạt Kiểm lâm huyện đã tăng cường hết lực lượng phối hợp với các ngành chức năng của huyện, UBND các xã và các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện các dự án đầu tư phát triển nông-lâm nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng tình trạng phá rừng không giảm, ngược lại ngày càng gia tăng và tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra thường xuyên. Nếu tỉnh và các cấp, các ngành không có biện pháp mạnh, những cánh rừng già quý hiếm còn lại khó mà giữ nổi trước “đội quân” phá rừng ngày càng đông và hung hãn”.
Do diện tích trồng mới cây hồ tiêu ngày càng tăng, nên nhu cầu mua trụ tiêu trong nhân dân cũng tăng cao dẫn đến tình trạng “sốt” trụ tiêu và đẩy giá tăng cao. Trong những tháng cao điểm của mùa mưa hiện nay, nhiều nông dân ở Đắk Nông ngày đêm lùng sục mua trụ tiêu về trồng nhưng rất hiếm.
Ông Nguyễn Văn Hoán, Lê Đình Hùng ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức và nhiều nông dân mà chúng tôi gặp cho biết: “Hiện nay giá trụ tiêu đã tăng vọt lên 270.000-300.000 đồng/trụ, tăng từ 70.000-100.000 đồng/trụ so với thời điểm đầu năm nhưng vẫn không có để mua. Do nhu cầu mua trụ tiêu quá lớn nên nhiều đối tượng từ các nơi kéo đến phá rừng, hoặc xúi người dân địa phương phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu bán lại cho họ với giá rẻ, rồi họ bán lại cho người dân với giá “cắt cổ” để kiếm lời. Thế nhưng, vẫn không thấy cơ quan, đơn vị nào phản ứng gì”.
Trên thực tế, không phải bây giờ mới xảy ra tình trạng này. Đã nhiều năm nay, mỗi khi nông sản tăng giá, nhất là giá Cà phê, hồ tiêu tăng mạnh thì người dân lại ồ ạt phá rừng để mở rộng diện tích trồng mới. Thực trạng này không chỉ xảy ra ở riêng tỉnh Đắk Nông mà ở tất cả các tỉnh Tây Nguyên. Thế nhưng đã hàng chục năm nay, các cấp, các ngành và các tỉnh trong khu vực vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả nào trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Và tình trạng nông sản tăng giá, dân phá rừng không biết bao giờ mới chấm dứt.
Theo báo Nhân Dân