Sau khi đạt đỉnh ngày 21/9, giá hạt tiêu thế giới quay đầu lao dốc theo thị trường hàng hóa chung. Giá tiêu giảm nạnh còn do tỷ giá dồng Rupi mất 6,77 % so với đồng USD trên thị trường hàng hóa nông sản.
Tính đến ngày cuối tuần, giá tiêu thế giới có 3 phiên sụt giảm liên tiếp, kỳ hạn tháng 10 giảm tổng cộng 765 Rupi về mức 36.220 Rupi/tạ, kỳ hạn tháng 11 giảm tổng cộng 720 Rupi về mức 36.845 Rupi/tạ, kỳ hạn tháng 12 giảm tổng cộng 705 Rupi về mức 37.325 Rupi/tạ.
Giá hạt tiêu xuất khẩu cũng hạ trên tất cả các thị trường, mức hạ từ 100-300 USD/tấn tùy theo, lần lượt là thị trường Châu Âu, khối Ả Rập, châu Mỹ. Thị trường châu Á có mức hạ nhiều nhất.
Giá tiêu tăng quá nóng từ đầu tháng 9 do tác động của nhu cầu hàng thực, không loại trừ có sự góp phần của các nhà đầu cơ hàng giấy trên thị trường kỳ hạn thế giới đẩy giá lên để thu lãi ngắn hạn.
Các nhà nhập khẩu tiêu hiện nay cũng ngần ngại với mức giá quá cao, họ chỉ mua cầm chừng cho nhu cầu.
Trưa nay 26/9, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng về lại ở 152.000 đồng/kg, thị trường không ghi nhận có sự giao dịch nào. Một số nhà đầu cơ nông sản và nhà vườn còn giữ hàng tiết lộ, họ vẫn chưa bán mà sẽ chờ thêm một thời gian nữa, nghe ngóng thị trường hạt tiêu cuối năm rồi mới quyết định.
Tin từ các thương lái cho biết, họ ghi nhận được một hiện tượng chưa từng gặp từ thị trường trong nước rằng, những thương nhân Trung Quốc trước đây đến tận nhà vườn thu gom hạt tiêu đã thuê một số kho ở khu vực phía nam để trữ hàng chứ không xuất ra biên giới. Nay cơ hội giá tiêu thế giới gia tăng, các thương nhân này tung hàng ra bán lại cho những nhà xuất khẩu nước ta với giá cao. Cũng không loại trừ với tiềm lực tài chính mạnh và nguồn hàng có sẳn trong tay, chính họ đã góp phần lớn trong việc gây ra tình trạng sốt giá tiêu hiện nay.
Các nước sản xuất hạt tiêu chủ chốt như Malaysia, Indonesia, Brazil… năm nay sản lượng sụt giảm. Tuy nguồn cung chủ yếu chỉ dành cho tiêu thụ nội địa nhưng cũng tranh thủ đưa số hàng dự trữ ra thị trường nhân cơ hội giá cao để thu lợi nhuận chênh lệch. Chờ đến khi Ấn Độ, Việt Nam thu hoạch vụ tới, giá hạ, sẽ gom hàng về lại cho dự trữ.
Giá tiêu thế giới từ đây đến cuối năm phụ thuộc vào lượng tồn kho của Việt Nam và Ấn Độ.
Theo số liệu của VPA năm 2011, Trung Quốc là nước sản xuất tiêu trắng nhiều nhất, khoảng 23.000 tấn, trong khi Việt Nam hơn 20.000 tấn, trên tổng số khoảng 65.230 tấn của thế giới. |
Theo Cafef