Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ấn Độ và Indonesia xung quanh chương trình gạo – dầu cọ
02 | 10 | 2011
Thị trường đang dồn sự chú ý đến động thái của Indonesia và Philippines, hai nhà nhập khẩu gạo lớn tại châu Á với hoài nghi về việc khi nào hai nước sẽ nhập khẩu thêm gạo, từ nhà cung cấp nào và với lượng bao nhiêu.

Thị trường đang dấy lên thông tin về việc hai chính phủ Indonesia và Ấn Độ có thể gặp gỡ để đàm phán về một hợp đồng chính phủ; theo đó, Ấn Độ sẽ mua dầu cọ của Indonesia và Indonesia sẽ mua gạo của Ấn Độ. Lượng giao dịch có thể lên tới con số hàng triệu, có thể ảnh hưởng lớn đến giá gạo trên thị trường quốc tế.

Các nhà chức trách cùng Bộ trưởng thương mại Ấn Độ sẽ tớ thăm Indonesia vào thứ 3 tuần tới để bàn bạc thêm về kế hoạch. Indonesia là nhà cung cấp dầu cọ lớn nhất thế giới và Ấn Độ là nhà nhập khẩu các loại dầu thực vật lớn nhất, bao gồm cả dầu cọ. Cho đến nay, mọi việc vẫn tiến triển theo hướng thuận lợi.

Tuy nhiên, vấn đề phát sinh ở chỗ chính phủ Indonesia, dưới áp lực của ngành dầu cọ nội địa, muốn tinh chế dầu cọ nội địa, đã tăng thuế xuất khẩu dầu cọ thô và giảm thuế xuất khẩu dầu cọ tinh chế xuất khẩu, nhằm thúc đẩy xuất khẩu dầu cọ tinh chế và giữ lại phần giá trị gia tăng cao trong sản xuất. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã sở hữu một ngành công nghiệp tinh chế dầu cọ lớn nội địa, và sẽ không hài lòng với viễn cảnh phải nhập khẩu dầu cọ tinh chế, thay vì dầu cọ thô, từ Indonesia. Do đó, phái đoàn Ấn Độ đang nỗ lực thuyết phục phía Indonesia liệu có thể cho phép xuất khẩu dầu thô từ Indonesia sang Ấn Độ và đổi lại, Ấn Độ sẽ bán một phần gạo với giá rẻ cho Indonesia.

Đồng thời, điểm mấu chốt là Indonesia cũng không đủ công suất chế biến dầu cọ tinh luyện, trong trường hợp đơn hàng với khối lượng quá lớn. Ấn Độ tiêu dùng 600 ngàn tấn dầu cọ mỗi tháng, và khoảng 7,2 triệu tấn hàng năm. Trong khi đó, Indonesia chỉ xuất khẩu 17 triệu tấn dầu cọ hàng năm. Ấn Độ hiện vẫn có một lượng gạo dự trữ lớn và đang rất muốn thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo. Indonesia cần nhập khẩu khoảng 1 – 2 triệu tấn gạo để tăng cường kho dự trữ.

Nếu giao dịch giữa hai nước này đạt đến con số hàng triệu tấn thì thị trường gạo châu Á sẽ có những biến đổi lớn trong những tháng sắp tới. Tuy nhiên, nhiều khả năng Indonesia có thể đặt hàng với khối lượng nhỏ, khoảng vài trăm ngàn tấn, để đáp trả lại hành động hủy hợp đồng xuất khẩu của chính phủ Thái vừa qua. Nếu chính phủ Indonesia đặt hàng từ Ấn Độ thì danh sách các vấn đề mà chính phủ Thái Lan phải đối mặt sẽ dài thêm, trước thời điểm chương trình thu mua gạo bắt đầu. Do đồng Bath tăng giá nên giá thu mua gạo theo chương trình này có thể sẽ vào khoảng 480 USD/tấn, giảm so với mức ước tính 500 USD/tấn trước đó. Chính phủ Thái đang nỗ lực giải phóng kho gạo cũ để đón vụ gạo mới, thông qua các hợp đồng xuất khẩu với hai đối tác nhập khẩu gạo quan trọng là Indonesia và Philippines.

Indonesia bày tỏ không hài lòng trước quyết định gần đây của chính phủ Thái, hủy hợp đồng xuất khẩu 300 ngàn tấn gạo theo hợp đồng với chính phủ tiền nhiệm với lý do giá xuất khẩu quá rẻ. Mặc dù chính phủ Thái đã đánh tiếng về việc đàm phán lại nhưng chính phủ Indonesia cho biết họ sẽ không đàm phán lại về lượng hay giá của hợp đồng đã ký.

Mặc dù vừa phải hứng chịu những cơn bão mạnh nhưng một nhà chức trách Philippines cho biết nước này chưa có ý định nhập khẩu thêm gạo trong tương lai gần. Theo ước tính ban đầu, cơn bão Nesat có thể làm thiệt hại khoảng 100 ngàn tấn gạo tại các khu vực sản xuất lúa gạo chính của Luzon trong tuần qua.

Kim Dung AGROINFO

Theo Oryza


Báo cáo phân tích thị trường